Luật sư: Nên phạt tù lái xe có nồng độ cồn cao

Việt Nam nên áp dụng án phạt tù vào quy định xử phạt nồng độ cồn, kể cả chưa gây tai nạn.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật được tờ Lao động loan trong ngày 12/11.

Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) được tờ Lao động Online dẫn lời cho rằng, nên áp dụng án phạt tù vào quy định xử phạt nồng độ cồn, kể cả chưa gây tai nạn.

Tuy nhiên luật sư Đô cũng nhấn mạnh: "Tất nhiên, nồng độ thế nào cần phải có một định lượng nhất định, và bắt buộc phải bằng một con số cụ thể là bao nhiêu, không được chung chung và phải định lượng cụ thể, có căn cứ khoa học, quy định trừng phạt bằng pháp luật không thể cảm xúc, định tính".

Cũng theo vị luật sư này, nếu bổ sung quy định pháp luật, xử phạt tù người lái xe có nồng độ cồn cao thì đa số người dân không dám vi phạm, vì theo ông: “ở tù, ai mà chẳng sợ?”.

Luật sư Đô nhấn mạnh Việt Nam đã có Điều 260 Bộ luật Hình sự, và cần phải bổ sung thêm chế tài mà không cần phải có hậu quả gây ra.

Ông cho biết ở một số nước khác việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn rất khắt khe. Ông dẫn giải, như ở Đài Loan, nồng độ cồn từ 5mg đến dưới 11mg/100ml máu sẽ khiến người lái bị phạt tiền từ 15.000 Đài tệ đến 90.000 Đài tệ. Nồng độ cồn từ 11mg/100ml máu trở lên thì đình chỉ giấy phép lái xe một năm và án tù tối đa hai năm. Nếu người lái xe bị kết án gây ra tai nạn, hình phạt sẽ tăng thêm gấp rưỡi. Trường hợp nạn nhân thương tích nghiêm trọng hay tử vong, người lái xe có nồng độ cồn bị tước bằng lái suốt đời, thậm chí bị tử hình.

Còn tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15mg/l khí thở, người lái sẽ phải đối mặt với án tù 3 năm và phạt hành chính 500.000 Yên. Ở mức độ cao hơn, lái xe có thể bị truy tố 5 năm tù cùng 1 triệu Yên tiền phạt…

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công an, trong sáu tháng đầu năm 2023, Bộ này đã xử lý 373,9 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,6%) trên tuyến đường bộ và hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường sắt và đường thuỷ.