Nhiều người dân thôn 2, xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ trong nhiều ngày qua tập trung trước Ủy Ban Nhân Dân xã để phản đối tình trạng khai thác các làm sạt lở đất canh tác của họ ven sông.
Báo pháp luật xã hội loan tin ngày 3 tháng 4 nói rõ người dân mang theo băng rôn và gõ trống, khua chiêng trước trụ sở UBND xã Đông Khê. Dân yêu cầu các cơ quan chức năng đối thoại và có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở khu vực đất sản xuất của người dân.
Người dân cho biết, từ khi chính quyền Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác cát sỏi trên bờ sông Chảy cho Công ty xây dựng đô thị Phú Thọ, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hàng chục hecta diện tích bờ bãi do phù sa bồi đắp hằng trăm năm đến nay đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến người dân không còn đất canh tác để sinh sống. Người dân đã nhiều lần trình báo với cơ quan chức năng tuy nhiên cả năm trời vẫn chưa được giải quyết.
Một cán bộ xã Đông Khê trả lời xác nhận với báo Pháp luật xã hôi về thực tế nhiều người dân tập trung tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để phản đối hoạt động khai thác cát xảy ra tại địa phương. Ủy ban Nhân dân xã đã làm đơn báo cáo sự việc đến cơ quan cấp cao để xem xét xử lý vụ việc.
Vào ngày 3 tháng 4, một cuộc họp diễn ra tại Văn Phòng Chính phủ Hà Nội với các bộ ngành về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát. Cuộc họp do phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì. Ông này thừa nhận do cầu sử dụng cát sỏi xây dựng tăng cao, lợi nhuận lớn nên tình hình khai thác cát trái phép đã bùng phát trở lại, nhiều địa phương buông lỏng việc quản lý, bao che khiến tình trạng này diễn ra công khai và lộng hành gây bức xúc trong nhân dân.
Do đó, ông yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung rà soát và xử lý dứt điểm tình trạng này.
Theo con số thống kê của Bộ Công an, từ năm 2017 cho tới nay việc xử lý khai thác cát trái phép phát hiện gần 14.000 vụ với hơn 4200 người vi phạm, tịch thu hơn 140 tàu hút cát và phạt tiền lên tới gần 70 tỷ đồng, nhưng chỉ có 7 vụ và 7 bị can bị khởi tố.
Trong khi từ đầu năm 2019 đến hiện nay, tại 14/20 địa phương phát hiện gần 700 vụ với hơn 420 đối tượng bị bắt, và phạt tiền hơn 12 tỷ đồng, hơn 70 tàu và mới chỉ có 2 vụ ở Thanh Hóa và Đồng Nai đã bị khởi tố.