Lãnh đạo tỉnh Bình Định nói về dự án gang thép Long Sơn

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định “không lấy kinh tế đánh đổi môi trường” khi trả lời về dự án gang thép Long Sơn, đang được dư luận quan tâm.

Ông Tuấn nói trong buổi họp với truyền thông diễn ra ngày 13/4 về tình hình kinh tế-xã hội quí 1 năm 2023.

Trả lời báo chí về dự án này, ông Tuấn nói dự án này có chủ trương từ lâu. Lúc đầu định đặt tại huyện Phù Mỹ, sau đó dời ra Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định. Nguyên nhân di dời là sau khi nghiên cứu sâu các điều kiện để đặt nhà máy thì nhận thấy không phù hợp: đường sá, cảng biển... không đáp ứng được và rất tốn kém nên dời ra Lộ Diêu vì nơi này phù hợp hơn.

Nếu dự án được xây dựng ở Lộ Diêu, bãi biển Lộ Diêu chỉ bị ảnh hưởng 4km trên tổng số 134km đường biển của tỉnh. Như vậy, việc ảnh hưởng không đáng kể. Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định để phát triển kinh tế tỉnh Bình Định, phải có những dự án lớn dẫn dắt, tạo cú hích và dự án gang thép Long Sơn nằm trong định hướng đó.

Tuy vậy, ông Tuấn khẳng định, quan điểm của tỉnh luôn nhất quán là không lấy kinh tế đánh đổi môi trường.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bình Định hiện tỉnh đã có kế hoạch về các chính sách bồi thường, đảm bảo an sinh cho người dân thôn Lộ Diêu.

Mặc dù vậy, ông Tuấn nói thêm, dự án gang thép Long Sơn vẫn có thể dừng vì không đảm bảo được các tiêu chí đề ra của tỉnh Bình Định.

Hôm giữa tháng 3, RFA có nêu câu hỏi với giáo sư Đặng Hùng Võ liên quan vấn đề này và được ông chia sẻ quan điểm. Vị giáo sư này nói:

“Tôi cho rằng có thể khẳng định việc lập nhà máy luyện thép ven biển là điều không nên, bởi vì nó có thể gây ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển ở phạm vi cỡ lớn. Đây là một cái chủ trương mà nhiều nước họ cũng đã làm. Tôi cho rằng Nhật Bản là nước thừa thãi kinh nghiệm về chuyện thực hiện công nghiệp hóa sao cho giữ được môi trường biển. Và cái ý thức về môi trường trong quá trình công nghiệp hóa thì Việt Nam nên học Nhật Bản.”