Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia hôm 19/9 cho biết vắc-xin Nano Covax “đạt yêu cầu về tính an toàn, chưa có dữ liệu đánh giá hiệu lực bảo vệ”. Kết luận này được Hội đồng Đạo đức đưa ra sau phiên họp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của vắc-xin này tính đến ngày 2/9 diễn ra hôm 18/9 vừa qua.
Kết luận của Hội đồng Đạo đức được đưa ra trên ba vấn đề bao gồm: an toàn, sinh miễn dịch, và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin.
Cụ thể, Hội đồng Đạo đức kết luận, vắc-xin của Việt Nam đạt yêu cầu về tính an toàn ngắn hạn, có tính sinh miễn dịch. Tuy nhiên, về hiệu quả bảo vệ, kết luận của Hội đồng Đạo đức cho thấy “vắc-xin chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp dựa trên số trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu lâm sàng”. Đây là kết quả quan trọng nhất về chất lượng vắc-xin, theo kết luận của Hội đồng Đạo đức. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục đánh giá khía cạnh này theo đề cương được phê duyệt; ước tính hiệu quả bảo vệ của Nano Covax dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch, đảm bảo khoa học để chuyển hồ sơ tới Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.
Nano Covax của công ty Nanogen là một trong bốn loại vắc-xin ngừa COVID-19 do Việt Nam tự nghiên cứu sản xuất và là vắc-xin đầu tiên đã đi qua ba giai đoạn thử nghiệm với số lượng người tham gia thử nghiệm ở giai đoạn ba là khoảng 13.000 người.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và việc khan hiếm vắc-xin, Nano Covax được hy vọng sẽ sớm được duyệt để đi vào sử dụng.
Thậm chí, mấy ngày qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện những hình ảnh, video cho thấy Thượng toạ Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ ở TPHCM, làm lễ cầu nguyện cho Nano Covax sớm được lưu hành.
Các video và hình ảnh về vụ cầu nguyện này đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều với các ý kiến cho rằng nghiên cứu vắc-xin cần phải dựa vào khoa học hơn là tâm linh.