Malaysia phản đối tàu cá Việt Nam xâm phạm lãnh hải

Malaysia hôm 8/5 chính thức phản đối việc nhiều tàu cá Việt Nam đã xâm phạm vùng biển của nước này thời gian qua.

Trang tin News Straight Times của Malaysia cho biết phía Malaysia đã đưa công hàm phản đối tới Đại sứ Việt Nam Lê Quý Quỳnh hôm 8/5.

Bộ Ngoại giao Malaysia trong cùng này đã triệu tập Đại sứ Việt Nam lên để giải thích về tình trạng nhiều tàu cá Việt Nam vào vùng nước của Malaysia, theo News Straight Times.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết tại cuộc gặp, Thứ trưởng Malaysia Raja Datuk Nushirwan Zailal Abidin cho biết tổng số có 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7.000 ngư dân Việt Nam đã bị Malaysia bắt giữ từ năm 2006 đến năm 2019. Phía Malaysia cho rằng việc xâm phạm vùng nước không gây nguy hại cho công dân Malaysia nhưng đã vi phạm chủ quyền của nước này, đi ngược lại luật quốc tế.

Bộ Ngoại giao Malaysia cũng khẳng định tại cuộc gặp là quan hệ giữa hai nước vẫn tốt đẹp. Tuy nhiên việc các tàu cá Việt Nam liên tục xâm phạm vùng nước của Malaysia chỉ làm cản trở những nỗ lực trong việc tăng cường quan hệ hai nước.

Theo NST, Đại sứ Việt Nam đã ghi nhận phản đối của Malaysia và hứa sẽ truyền đạt thông tin này về cho các giới chức Việt Nam. Ông Quỳnh đồng thời cũng khẳng định việc tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng nước của nước khác là trái với luật của Việt Nam.

Những năm qua, ngày càng nhiều tàu cá Việt nam bị bắt giữ ở nước ngoài. Các ngư dân Việt Nam trong các phỏng vấn của RFA cho biết họ phải đi ra các vùng nước khác để đánh bắt cá vì nguồn cá gần bờ đã cạn kiệt.

Hồi cuối tháng trước, Indonesia đã bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam với cáo buộc các ngư dân này đánh bắt cá ở vùng nước của Indonesia. Việt Nam khẳng định các ngư dân này đang đánh bắt cá ở vùng nước của Việt Nam.

Việt Nam hiện vẫn có vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế với Malaysia ở vùng Vình Thái Lan và với Indonesia ở gần đảo Hòn Cau.

Trong tháng 5 và tháng 6, một phái đoàn của Liên minh EU sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc chống đánh bắt cá lậu ở Việt Nam. Đây là cơ hội Việt Nam có thể thoát thẻ vàng về đánh bắt cá lậu mà Châu Âu đã đưa ra nhằm cảnh báo Việt Nam từ năm 2017. Tuy nhiên, nếu việc vi phạm vẫn tiếp tục, Việt Nam có thể đối mặt với thẻ đỏ của EU và điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ không xuất khẩu được thủy sản vào Châu Âu.