Kêu gọi trả tự do cho Đoàn Thị Hương bị Malaysia bác

Đề nghị từ phía Việt Nam trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương đang bị giam tại Malaysia bị bác bỏ. Phiên tòa xét xử cô này sáng ngày 14/3/2019 tiếp tục bị hoãn và dời đến ngày 1 tháng 4.

Ông Lê Quý Quỳnh, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia nói với phóng viên hãng tin CNN là ông rất thất vọng với quyết định tuyên hủy yêu cầu trả tự do cho cô Hương của chính quyền Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 14 tháng 3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói với báo giới rằng Việt Nam lấy làm tiếc vì Malaysia không trả tự do ngay cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.

Ông Đoàn Văn Thạnh, cha của nghi phạm giết anh trai lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un sau phiên tòa cho biết, ông rất buồn trước quyết định vẫn đem ra xét xử Đoàn Thị Hương như một nghi phạm duy nhất. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại từ Nam Định:

"Gia đình anh em cô bác (trước đó) cũng muốn Hương được thả về nhưng việc này chưa xong thì cũng rất là buồn.

Mong muốn nhà nước Việt Nam hỗ trợ và giúp đỡ cho Hương để sớm được về."

Ông Thạnh cũng cho biết thêm, sau khi có tin cô Siti Aisyah - công dân của Indonesia được trả tự do thì Công an tỉnh Nam Định có động viên gia đình và bảo yên tâm.

Tại phiên tòa hôm nay 14/3, cô Đoàn Thị Hương tiếp tục khẳng định mình vô tội và phủ nhận các cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh VX sát hại ông Kim Jong Nam.

Trước đó vào hôm 11/3, nghi phạm người Indonesia trong cùng vụ án được công tố viên tòa án Malaysia tuyên hủy bỏ cáo trạng đối với cô này và trả tự do.

Chính quyền Indonesia sau đó tuyên bố, việc trả tự do cho ông dân nước này là kết quả của 2 năm vận động hành lang ở cấp cao với chính quyền Malaysia.

Cô Đoàn thị Hương sau phiên tòa hôm 14/3/2019
Cô Đoàn thị Hương sau phiên tòa hôm 14/3/2019 (AFP)

Ngay sau phiên tòa hôm ngày 11 tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Malaysia đề nghị nước này bảo đảm xét xử công bằng và trả tự do cho cô Đoàn Thị Hương.

Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long cũng làm một động tác tương tự Indonesia trước đó đã làm là gửi thư cho Tổng Chưởng Lý Malaysia, Tommy Thomas đề nghị xem xét và trả tự do cho cho công dân Việt Nam trên cơ sở đối xử pháp luật công bằng và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn người vận động chiến dịch cho Ân xá Quốc tế viết trên trang Facebook cá nhân hôm 14/3, gọi việc làm của chính quyền Việt Nam là “hành động khó hiểu”.

"Phải đến khi nghi phạm người Indonesia về nước rồi thì phía Việt Nam mới có động thái bảo vệ công dân của mình, nhưng lại vô cùng vô ý tứ, đó là gọi điện thoại và công khai đề nghị phía Malaysia thả người. Vô cùng thiếu tôn trọng Malaysia và phản ngoại giao.

Những nỗ lực vận động trong vụ việc này phải được diễn ra một cách im ắng, không ồn ào nhưng phải là từ các cấp cao nhất. Chúng ta thấy Tổng thống Indonesia phải bay sang Malaysia hội đàm với Thủ tướng chủ nhà, thế nhưng không ai biết những chuyện này cho đến khi mọi chuyện xong xuôi.

Việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi điện sang Malaysia đề nghị trả tự do cho Đoàn Thị Hương khiến Malaysia không thể chấp nhận được. Điều này buộc họ phải hoàn thành các thủ tục pháp lý, quá trình xét xử phải tiếp tục, và Đoàn Thị Hương vẫn phải ngồi tù. Bởi họ muốn được nhìn nhận là quốc gia tôn trọng luật lệ, nếu họ trả tự do cho Đoàn Thị Hương thể theo yêu cầu công khai của Việt Nam thì còn gì là chủ quyền nữa," ông Nguyễn Trường Sơn nhận định.

Hồi năm 2017, cô Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia bị bắt vì tham gia vào vụ giết hại anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn ở sân bay Malaysia.

Cả 2 người đều cho rằng mình là nạn nhân khi bị phía Bắc Hàn lừa tham gia vào một trò chơi trên truyền hình.

Cho đến nay, chỉ còn cô Đoàn Thị Hương bị tòa án Malaysia xét xử, và nếu bị tuyên có tội, cô sẽ phải đối mặt với bản án tử hình.