Nhiều địa phương ở Việt Nam xin sử dụng rừng tự nhiên

Nhiều tỉnh thành tại Việt Nam như Quảng Nam, Ninh Bình, Bình Thuận... vừa xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án nhà máy điện gió, làm đường giao thông, khai thác mỏ đá vôi... Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin hôm 17/11.

Với đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Bộ NN&PTNT cho biết chưa có cơ sở để xác định được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo Nghị định số 83/2020/NĐ-CP hay không, vì tỉnh này cung cấp hồ sơ chưa rõ ràng.

Bộ NN&PTNT cũng có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam xem xét, cân nhắc lại đối với việc phá rừng để phát triển sâm Ngọc Linh.

Đối với việc tỉnh Bình Thuận xin được chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110KV, Bộ NN&PTNT cho biết hồ sơ của tỉnh này chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho nhà máy điện gió.

Tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng của 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyển hai nhà máy xi măng Duyên Hà. Bộ NN&PTNT cho biết, dự án khai thác mỏ đá vôi ở Ninh Bình không đúng với tiêu chí xác định là dự án được chuyển mục sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha. Mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270 ha/năm, nhưng trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn mất đi 2.430 ha rừng.

Phá rừng, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.