Nợ công tính trên đầu người Việt Nam tăng thêm

Mỗi người dân Việt Nam phải gánh 35 triệu đồng nợ công quốc gia vì các dự án thua lỗ, và hàng loạt các dự án vay vốn ODA bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với ban đầu.

Thông tin vừa nêu được Bộ Tài chính cho biết vào ngày 17 tháng 8.

Dự báo của Bộ kế Hoạch và Đầu Tư về nợ công của Việt Nam trong năm 2018 cho thấy nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP, tiệm cận mức 65% GDP mà Quốc hội cho phép.

Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Việt Nam giải thích nguyên nhân nợ công tăng chủ yếu là vì các dự án kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí, các công ty tư vấn kém chất lượng, đưa ra các giải pháp thiết kế, tính toán không chính xác.

Bộ KH& ĐT nêu ra một số trường hợp như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn từ Thăng Long – Trần Hưng Đạo: quá trình điều tra tổng mức đầu tư dự án đã phát hiện nhiều sai sót trong việc tính toán, chi phí đầu tư tăng từ 19.555 tỷ lên hơn 51.000 tỷ. Dự án tuyến tàu điện ngầm tại TpHCM đoạn Bến Thành – Tham Lương: công ty tư vấn đã không tính toán khối lượng và hạng mục chi phí trong báo cáo khả thi dự án, chi phí tăng từ 17.400 tỷ lên hơn 47.000 tỷ.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, nhiều dự án vay lại vốn nước ngoài của chính phủ và vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh đã sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ hoặc ứng vốn từ quỹ trả nợ quốc gia.

Tính đến trung tuần tháng 7 năm ngoái, Tạp chí The Econimist đưa ra đồng hồ nợ công của Việt Nam là hơn 94 tỷ đô la Mỹ. Cũng vào cùng thời điểm, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cảnh báo trong năm nay, nợ công của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng an toàn.