Đồng bằng Sông Cửu Long thiếu nước, hạn mặn, Chính phủ có công điện khẩn

Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện khẩn hôm 8/4 yêu cầu kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Truyền thông Nhà nước trích dẫn thông tin từ công điện cho biết, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện ba đợt xâm nhập mặn (từ ngày 8 đến 13 tháng 4, từ ngày 22 đến 28 tháng 4 và từ ngày 7 đến 11 tháng 5 năm 2024).

Vì vậy, theo công điện, nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Trong các tuần qua, nhiều hình ảnh trên mạng xã hội và báo chí cho thấy tình hình hạn hán và xâm nhập mặn dẫn đến việc người dân ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ và TPHCM thiếu nước sinh hoạt. Các hình ảnh cho thấy các xe bồn chở nước đến tiếp tế cho người dân và người dân ở TP HCM phải xếp hàng dài chờ lấy nước.

Báo Nhà nước dẫn nhận định từ các địa phương chịu ảnh hưởng của trận hạn mặn mùa khô năm nay cho biết hạn mặn xâm nhập tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tuy chưa gây thiệt hại đến sản xuất, cây trồng nhưng một số nơi bị sụp lún, sạt lở nghiêm trọng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Hoàng Văn Đại, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023.

Ngoài ra, theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong tháng 1 và 2 năm nay, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 6%.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) nhận định, trong thời gian tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 20.510ha lúa và 43.300ha cây ăn trái có nguy cơ hạn hán, thiếu nước do xâm nhập mặn.