Các quốc gia trong lưu vực sông Mekong nên xem lại mô hình phát triển của mình.
Đó là nội dung trong tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy Hội Sông Mekong đưa ra ngày 5 tháng tư tại Siem Reap, Kampuchia.
Nội dung này muốn nói đến việc xây dựng quá nhiều các đập thủy điện trên dòng chính và các chi lưu quan trọng của sông Mekong.
Tuyên bố chung này dựa trên ngiên cứu của Ủy Hội Sông Mekong về tác động môi trường của các đập nước lên nguồn nước, nguồn hải sản dọc theo sông Mekong.
Mặc dù nội dung của tuyên bố chung được cho là rõ ràng và trung lập, tuy nhiên tuyên bố của các quốc gia tham dự hội nghị cũng có khác nhau, ngoài Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia tham gia nhiều vào tài liệu nghiên cứu của Ủy Hội Sông Mekong, Lào nói rằng mình luôn tuân thủ những qui trình của Ủy Hội Sông Mekong, Trung Quốc thì nói rằng Bắc Kinh hiểu những quan ngại hợp lý của các quốc gia dọc sông Mekong về những đập nước thủy điện.
Lào và Trung Quốc là những quốc gia có nhiều đập thủy điện lớn chận ngang dòng chính sống Mekong, được cho là gây tác động nghiêm trọng đến nguồn cá, nguồn nước trên Sông Mekong, đặc biệt là gây hạn hán, nhiễm mạn nặng nề tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Trung Quốc là quốc gia cung cấp vốn nhiều nhất cho các đập thủy điện như thế.
Tổ chức có tên Các Dòng Sông Quốc Tế ra kêu gọi nhân Hội Nghị Cấp Cao lần thứ ba Ủy Hội Sông Mê kong Quốc tế (MRC) tại Siem Reap, Cam pu chia vào ngày 5 tháng tư.
Theo Tổ chức Các Dòng Sông Quốc Tế thì mặc dù có những tác động đáng kể đối với an ninh lương thực và sinh kế của người dân sống dọc sông Mê Kong khi xây dựng hệ thống đập thủy điện trên dòng chính cũng như chi lưu của con sông này, qui trình ra kế hoạch và đi đến quyết định thiếu sự tham gia của công chúng, thiếu sự minh bạch cũng như giải trình trách nhiệm.
Tính đến nay, quyết định xây dựng những dự án thủy điện trên sông Mê kong chỉ do chính phủ của những nước thành viên thuộc Ủy Hội Sông Mê Kong trên cơ sở từng dự án một mà không hề xem xét đến tác động toàn lưu vực.
Tổ chức Các Dòng Sông Quốc Tế nêu rõ công tác tham vấn tất cả những đối tượng liên quan khi tiến hành dự án đập thủy điện là thiết yếu cho những cuộc đàm phán được thành công và đạt được giải pháp bảo tồn sự phong phú, đa dạng môi trường của lưu vực Sông Mê Kong trong khi vẫn hỗ trợ được cho sinh kế của cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế của các nước dọc sông Mê Kong.