CPTPP quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững

Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến Bộ và Toàn Diện, gọi tắt theo tiếng Anh CPTPP, sẽ là một thỏa thuận quan trọng trong việc ứng dụng thương mại tự do và đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam.

Bộ Trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra nhận định vừa nêu với Thông Tấn Xã Việt Nam. Ông cho biết thêm vì thế, các thành phần kinh tế cần chuẩn bị và chủ động thực hiện tái cấu trúc để tận dụng tối đa hiệp định đó.

Ông Bộ trưởng Công Thương Việt Nam nói rằng các lĩnh vực như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP.

Ông cũng trích dẫn một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới World Bank và Viện nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành cho rằng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn 1,1% vào năm 2030 nhờ CPTPP.

Tuy nhiên ông Trần Tuấn Anh cũng cảnh báo, ngoài các cơ hội, thoả thuận này sẽ tạo ra những thách thức đối với cả doanh nghiệp lẫn người dân nếu không chú ý đến việc thực hiện các cam kết hội nhập.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, vào năm 2017, còn lại 11 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam đồng ý duy trì Hiệp định và đổi tên thành CPTPP.

CPTPP dự kiến ​​sẽ được ký kết tại Chilê vào ngày 8 tháng 3 (giờ địa phương) với sự tham gia của các bộ trưởng từ 11 nước thành viên.