Dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác “Made in Vietnam” cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và được bày bán trong thị trường nội địa vừa được Bộ Công thương phổ biến và tiến hành thu thập ý kiến cho dự thảo này.
Truyền thông trong nước, vào ngày 2 tháng 8 cho biết thông tin vừa nêu.
Theo nội dung quy định trong dự thảo Thông tư của Bộ Công thương vừa phổ biến thì hàng hóa được coi là của Việt Nam khi có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam.
Trong trường hợp không có xuất xứ hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng hàng hóa trải qua công đoạn gia công và chế biến cuối cùng tại Việt Nam và đảm bảo hai tiêu chí về chuyển đổi mã số (HS) và hàm lượng giá trị gia tăng thì cũng được coi là hàng Việt Nam.
Dự thảo Thông tư còn quy định rõ về trường hợp hàng hóa không có xuất xứ thuần túy thì được xác định hàm lượng giá trị gia tăng theo 2 công thức trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, theo cách tính trực tiếp là hàng hóa có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng; và theo cách tính gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.
Dự thảo Thông tư của Bộ Công thương cũng quy định hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng “Made in Vietnam”.
Một trong những vụ việc liên quan đến hàng hóa “Made in Vietnam” được dư luận quan tâm hiện nay là Công ty Asanzo hôm 26 tháng 7 vừa qua chính thức nộp đơn khởi kiện báo Tuổi Trẻ lên Tòa án Nhân dân Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, để yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin lỗi vì đã đăng tin Asanzo thay đổi xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng…
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại vào ngày 30 tháng 7 được truyền thông quốc nội dẫn lời cho biết sẽ công bố kết luận chính thức về vụ Asanzo vào cuối tháng 8 tới đây.