Bộ Tài chính dự báo có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết khi quý I trùng thời điểm có nhiều hoạt động, lễ hội, sẽ khiến giá tăng đột biến, trong đó có giá điện.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 25/1 dựa theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giá cả sau Tết và cả năm 2023.
Bộ này cũng cho biết giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm; giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, yếu tố thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bàn bị ảnh hưởng nhất là vào khi một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm.
Bộ Tài chính cũng cho rằng nhiều nguy cơ rủi ro về tỷ giá sẽ tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước. Đồng thời nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Bộ Tài chính đề nghị công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Vào cuối năm 2022, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ hơn 31.300 tỉ đồng và đây là mức lỗ kỷ lục của EVN. Qua đó EVN đề nghị tăng giá điện ngay trong năm 2022. Tuy nhiên tại cuộc họp chính phủ vào ngày 3/1, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trên tờ VnExpress rằng: “Chúng tôi sẽ tính toán kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền về lộ trình, phương án tăng giá điện sau rà soát, đảm bảo tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá".
Giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh nhưng theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, giá nhiên liệu biến đổi liên tục, tăng cao ở các nhà máy.