Một nam bệnh nhân 21 tuổi, trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được xác nhận tử vong do cúm A/H5N1.
Đại diện Bộ Y tế cho truyền thông hay tin trên trong ngày 24/3, xác nhận đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ hai kể từ năm 2014 sau nhiều năm Việt Nam không ghi nhận ca mắc bệnh trên người.
Trước đó, tháng 10/2022, tại Phú Thọ ghi nhận một người mắc cúm A/H5N1. Từ 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong.
Riêng đối với trường hợp tử vong mới nhất này, Bộ Y tế cho biết, theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở khu vực gần nhà. Hiện các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được địa phương lập danh sách và theo dõi sức khỏe mỗi ngày, đến nay chưa phát hiện thêm ca mắc mới.
Trong cùng ngày, Cục Y tế dự phòng đã gửi công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra nguồn lây, xử lý triệt để ổ dịch để chủ động phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người.
Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, Cục ghi nhận sáu ổ dịch cúm gia cầm tại sáu tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.
Đại diện Cục cũng cho biết, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Riêng tại Việt Nam, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người, virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (khoảng 50%).
Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.