Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ hình thức xét thăng hạng.
Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất trên trong ngày 27/5 góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thời gian qua gặp nhiều khó khăn, bởi các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chậm ban hành thông tư quy định nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng dẫn đến chậm tổ chức, ảnh hưởng quyền lợi của đội ngũ viên chức.
Truyền thông dẫn thống kê của Bộ Nội vụ đưa ra từ năm 2012 đến 2018 chỉ có sáu bộ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng viên chức. Các địa phương chủ yếu cử viên chức tham gia các kỳ thi do bộ tổ chức; chỉ có TP Hà Nội tổ chức kỳ thi.
Đại diện Bộ Nội vụ cũng cho rằng các kỳ thi chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức do nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp. Ngoài ra, việc thăng hạng viên chức hiện nay chủ yếu giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.
Với số lượng viên chức khoảng 1,8 triệu hiện nay, vẫn theo Bộ này, việc tổ chức kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém; chưa kể một số nơi còn xảy ra vi phạm, tiêu cực. Do đó, Bộ Nội vụ cho rằng khi chưa thực hiện cải cách tiền lương và sửa đồng bộ các quy định có liên quan thì việc việc bỏ thi, chỉ giữ hình thức xét thăng hạng viên chức là cần thiết.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - nhận định trên tờ Lao động rằng, đây là các nội dung nhận được sự quan tâm, đồng tình cao của đông đảo đội ngũ công chức, viên chức và của các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là nội dung có phạm vi tác động lớn, liên quan đến đổi mới về phương thức quản lý và thẩm quyền của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Qua đó, ông Dĩnh nhận định, đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức sẽ giúp thực hiện cải cách công vụ, đổi mới phương thức quản lý đội ngũ, cải cách thủ tục hành chính theo đúng chủ trương bảo đảm “phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm” và giảm “gánh nặng thi cử” đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.