Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng có ít nhất 5 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 tại Mỹ, nhưng thương hiệu gạo của ông Hồ Quang Cua chưa mất, doanh nghiệp cần khẩn trương giành lại thương hiệu.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 22/4 và cho biết, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương, đến sáng ngày 22/4 hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái ‘đang kiểm tra’.
Tuy nhiên, theo ông Phú, nếu doanh nghiệp không làm gì thì có thể bị mất thương hiệu. Ông Cua cần chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó, ví dụ là người nghiên cứu, tạo ra giống gạo này, đưa đi thi và có giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019...
Tin cho biết, từ năm 2020, các doanh nghiệp có trụ sở ở California, Mỹ đã đăng ký để được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại nước này. Đơn cử như ‘The world's best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi - khong tieu duong’; hay tên ST25; ‘No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice’ và ‘Vietnam's ST25 rice, dac san Soc Trang’...
Nếu 5 doanh nghiệp tại Mỹ thành công, phía ông Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25 sẽ không được sử dụng các cụm từ như ‘gạo ST25 ngon nhất thế giới’. Thời gian xét duyệt sẽ mất khoảng 6 tháng, nếu quá thời gian này mà không có khiếu kiện, Mỹ sẽ cấp bảo hộ thương hiệu.
Trả lời báo chí trong nước cùng ngày, kỹ sư Hồ Quang Cua xác nhận đã biết việc nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu giống gạo ST25. Tuy nhiên, theo ông Cua, việc ST25 được người khác đăng ký quyền bảo hộ hợp pháp, có trách nhiệm thì chưa hẳn là điều xấu và ông Cua từ chối bàn sâu về vấn đề này.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, khi trả lời báo chí cho rằng, việc các doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25 của Việt Nam từ tháng 7/2020 là lỗi do ông Hồ Quang Cua nhưng cũng là lỗi do nhà chức trách Việt Nam. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, sự việc này rất đáng tiếc đối với ngành lúa gạo của Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, cho thấy sự thụ động của Việt Nam.