Việt Nam muốn làm tiếp hơn 2.000 MW điện mặt trời

Bộ Công thương Việt Nam muốn tiếp tục thực hiện làm 2.430 MW điện mặt trời vì lo ngại những tranh chấp pháp lý với chủ đầu tư bất chấp những hạn chế về đường truyền dẫn điện đang thiếu của Việt Nam.

Theo truyền thông Nhà nước hôm 18/7, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản mới về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Theo đó, ông Thành yêu cầu chia 2.428,42 MW điện mặt trời thành các nhóm và cần xác định sơ bộ chi phí, thiệt hại của từng nhóm nếu không làm.

Tại văn bản của Bộ Công thương đưa ra trước đó, bộ này đề xuất làm tiếp gần 2.430 MW điện mặt trời để tránh tranh chấp pháp lý với chủ đầu tư.

Cụ thể, Bộ này kiến nghị, tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030, các dự án, hoặc phần dự án đã hoàn thành thi công với tổng công suất khoảng 452,62 MW và các dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất khoảng 1.975,8 MW nhưng chưa vận hành.

Trong một thông báo hồi tháng hai năm nay, Chính phủ Việt Nam xác định công suất điện mặt trời của Việt Nam từ 2031 – 2045 là quá cao và nên giảm để nhường chỗ cho điện gió.

Theo Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2031 – 2045 trước khi chỉnh sửa vào tháng 2, tổng công suất điện được đề xuất là 352,000 MW, trong đó điện mặt trời chiếm 25%.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN, tính đến năm 2021, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất ở mức 16.504 MW, chiếm 2.3% công suất toàn thế giới.

Việt Nam thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng các dự án điện mặt trời và điện gió nằm thay thế dần điện than và điều này đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia vào các dự án này từ năm 2017 đến nay.

Nhưng Chính phủ đã không tính toán trước cơ sở hạ tầng để kết nối điện mặt trời từ các dự án vào mạng lưới điện quốc gia, khiến có những doanh nghiệp dù đã xây dựng xong dự án điện nhưng không thể bán được điện hoặc bán ở mức thấp dưới 50% công suất.