Đại diện Bộ Công thương vừa lên tiếng bác tin đồn, đang lan truyền trên mạng xã hội, về việc giá xăng dầu có thể tăng lên đến 100 ngàn đồng/lít.
Đại diện Bộ Công thương nói trên tờ Vietnamplus trong ngày 9/11 rằng những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là không có căn cứ và khẳng định tin giá xăng có thể tăng lên 100 ngàn đồng chỉ là thông tin đồn đoán.
Cũng theo Bộ Công thương, hiện liên bộ Công thương và Tài Chính đang phối hợp rà soát, tính toán để điều chỉnh mức chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu; đồng thời, đề nghị thời gian thực hiện nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11/2022. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thông báo về việc tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu cũng như tính các chi phí phát sinh thực tế trong việc đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng.
Theo Bộ Công thương, nếu các điều chỉnh trên được thực hiện, các doanh nghiệp sẽ được cập nhật chi phí phát sinh trong giá bán để tháo gỡ khó khăn.
Hôm đầu tháng 11, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng bán lẻ tại thị trường Việt Nam vẫn vượt ngưỡng 22.750 đồng/lít. Liên tiếp trong nhiều tháng gần đây, các cây xăng tại nhiều tỉnh, thành đều giăng bảng ngừng bán hoặc bán nhỏ giọt. Lý do các chủ xây xăng đưa ra là do kinh doanh thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí.
Một cửa hàng bán xăng tại Hà Nội trong ngày 6/11 đã ngừng bán và trả lại giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho Sở Công thương.
Nhiều người dân Hà Nội cho biết họ đã chứng kiến cảnh vật vã giữa đêm xếp hàng đong xăng tại TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam, giờ đến phiên họ phải “cầu cứu” vì không có xăng để đổ.
Trước tình trạng khan hiếm xăng, hàng loạt kiểu mua, bán xăng lẻ (kiểu cục gạch) đua nhau mọc lên. Bộ Công thương hôm 4/11 ban hành chỉ thị yêu cầu quản lý thị trường ngăn chặn, xử lý các hành vi găm hàng, bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai.v.v. Tuy nhiên ba ngày sau đó, Bộ này đã lên tiếng với truyền thông đính chính, chỉ thị trên chỉ nhằm xử lý các hành vi bán xăng dầu qua trụ bơm lắc, chứ không phải hành vi mua xăng bằng can, chai của người dân.