Dự thảo Luật Lao động bổ sung quy định công đoàn độc lập

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Việt Nam lần đầu tiên bổ sung quy định về thành lập công đoàn độc lập của người lao động.

Truyền thông trong nước, vào ngày 30 tháng 4, cho biết Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội vừa công bố dự thảo luật này nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Theo quy định mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về thành lập công đoàn độc lập thì người lao động có quyền thành lập, tham gia và hoạt động công đoàn độc lập (gọi là tổ chức đại diện của người lao động) ở cơ sở và công đoàn độc lập cơ sở được hoạt động hợp pháp chỉ khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động.

Công đoàn độc lập cơ sở được tham gia góp ý và giám sát các quy định về lương bổng, nội quy lao động và các quyền lợi của người lao động là thành viên của công đoàn độc lập cơ sở.

Thành viên ban lãnh đạo của công đoàn độc lập cơ sở được bầu chọn phải là người lao động Việt Nam đang làm việc tại cơ sở sử dụng lao động; có quyền thương lượng, đối thoại, tham vấn với chủ lao động tại nơi làm việc theo quy định và được tổ chức, lãnh đạo các cuộc đình công.

Điều đáng chú ý theo quy định của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là thành viên ban lãnh đạo của công đoàn độc lập cơ sở không phải là người đang chấp hành án phạt hoặc chưa được xóa án liên quan tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân…theo quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.