Bộ GTVT đề xuất mua lại bảy dự án BOT

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất dùng 9.427 tỷ đồng để mua lại 7 dự án BOT giao thông không thể thu phí hoặc đã thu phí nhưng không nhận được sự đồng thuận của người dân. Báo Nhà nước đưa tin hôm 2 tháng 11.

Công văn Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững trên cơ sở gói hỗ trợ này được bố trí vốn tới năm 2025. Bảy dự án BOT dự kiến được mua lại gồm: Dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 và đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới; Dự án BOT xây dựng mới quốc lộ 26 qua Ninh Hòa và nâng cấp một số đoạn quốc lộ 26 qua Khánh Hòa; Dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B tại Cần Thơ; Dự án BOT cầu Thái Hà nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 tránh phía Đông và phía Tây TP Thanh Hóa; Dự án BOT nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh; Dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2.

Ngoài bảy dự án BOT trên, Bộ GTVT còn đề xuất các nhóm dự án khác sẽ sử dụng vốn của chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 như sau:

- Nhóm các dự án có thể sớm hoàn thành giải ngân vào năm 2022-2023: đề nghị sử dụng hơn 9.600 tỷ đồng cho một dự án vốn ODA cần chuyển đổi sang vốn trong nước; thanh toán cho nhà đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 30 qua Tiền Giang và Đồng Tháp đã dừng theo nghị quyết của Quốc hội.

- Với nhóm các dự án có thể hoàn thành vào năm 2024, Bộ GTVT đề nghị sử dụng hơn 17.500 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình cho ba dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA chuyển sang sử dụng vốn trong nước và 18 dự án là điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông.

Trong các năm qua, nhiều người dân ở Việt Nam đã phản đối hoạt động của một số các trạm thu phí đường bộ BOT vì cho rằng các trạm này đã đặt sai vị trí hoặc thu phí quá mức. Một số người dân phản đối các trạm BOT đã bị bắt giữ và thậm chí bị kết án tù với cáo buộc tội gây rối trật tự công cộng.