Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/10 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho các công ty đăng ký hoạt động tại thành phố Tam Sa ở Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, bà Hằng nói: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và hành vi có liên quan là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam mạnh mẽ phản đối các hành động này.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng việc Trung Quốc thành lập Tam Sa là không có giá trị và không được quốc tế công nhận, đồng thời không có lợi cho quan hệ hai nước, gây mất ổn định tình hình khu vực.
Trung Quốc lập thành phố Tam Sa vào tháng 7 năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, mục đích nhằm kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp với các nước khác.
Hồi tháng 4 năm nay, Trung Quốc thông báo việc lập hai quận hành chính là Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa).
Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC mới đây cho biết đã có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký hoạt động ở thành phố Tam Sa.
Theo AMTI, trước khi Tam Sa được thành lập vào năm 2012, Trung Quốc mới có chưa đến 10 công ty đăng ký hoạt động. Nhưng đến tháng 6/2019, đã có đến 446 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ đăng ký với chính quyền Tam Sa. Trong số này có 307 công ty báo cáo vốn đăng ký tích luỹ là hơn 1 tỷ đô la.
Theo AMTI, các công ty này cũng tham gia vào việc lắp đặt các cơ sở hạ tầng như các trạm 4G, 5G để phục vụ thông tiên liên lạc cho tàu thuyền và hạ đặt cáp quang dưới biển.