Bộ TNMT giải thích nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TPHCM

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là do mưa ít, hiện tượng nghịch nhiệt và chưa quản lý tốt các nguồn ô nhiễm.

Báo trong nước loan tin này ngày 14/10, trích nội dung họp báo thường kỳ của Bộ TNMT diễn ra trong cùng ngày.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ngoài những nguyên nhân kể trên, tại Hà Nội, một phần nữa là do người dân đốt rơm rạ và vẫn không thể kiểm soát được những phác thải từ giao thông, xây dựng… cộng với thói quen sinh hoạt của người dân cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí.

Ngoài ra, lượng khí thải từ các phương tiện giao thông lạc hậu cũng xả ra khiến không khí kém chất lượng. Vấn đề này đang được đề nghị với các ngành và các địa phương để cùng giải quyết.

Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn Hà Nội cho thấy nồng độ bụi PM2.5 từ ngày 12-29/9 có xu hướng tăng.

Còn tại TPHCM, do tháng 9 là thời điểm giao mùa nên chất lượng không khí cũng theo chiều hướng xấu. Theo kết quả tổng hợp từ Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cũng đã gia tăng mạnh mẽ.

Trong kết quả so sánh của Bộ Tài nguyên Môi trường với một số thành phố trong khu vực Châu Á dựa theo số liệu của 15 trạm quan trắc tự động do Đại Sứ quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố một số nước Châu Á giai đoạn 2016-2018, Hà Nội đứng vị trí 10/15 thành phố vào 2 năm 2016-2017, còn năm 2018 đứng thứ 11/15 thành phố có chất lượng không khí kém.

Cũng trong buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thức trả lời truyền thông trong nước về đánh giá tác động của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II – Bến Tắm – Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Bộ TNMT đã thẩm định chặt chẽ và thận trọng. Trong đó hội đồng thẩm định gồm có Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Vườn Quốc gia Tam Đảo, sở TNMT tỉnh Vĩnh Phúc… đồng thời có phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để đánh giá tính đa dạng sinh học của khu vực mà chủ đầu tư triển khai dự án.

Dựa theo kết quả đó, Bộ TNMT đã có văn bản đề nghị Chủ đầu tư phải có các công trình kiến trúc phù hợp với du lịch sinh thái, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tuân thủ pháp luật về bảo vệ rừng…

Tuy nhiên, khi trả lời về việc dự án có ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Tam Đảo hay không, ông Thức cho biết " Đ ây là câu hỏi khó. Chúng ta phải đứng trên quan điểm phát triển nhưng phải bảo tồn".