Cảnh sát giao thông Việt Nam đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc, sau 5 ngày thực hiện theo Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/20.
Truyền thông trong nước vào ngày 7/1 dẫn nguồn từ Cục Cảnh sát giao thông, thuộc Bộ Công an cho biết số liệu vừa nêu, đồng thời khẳng định toàn bộ quá trình kiểm soát để xử lý vi phạm đều được camera ghi lại.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết thêm lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân trên toàn quốc cùng với các phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ…ở mức cao nhất. Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông không hợp tác cho việc kiểm tra nồng độ cồn, thậm chí còn có người chống lại khi được yêu cầu kiểm tra.
Báo mạng VnExpress vào ngày 7/1 đăng tải một trường hợp điển hình là ông Xiong Anl In, quốc tịch Trung Quốc, làm việc tại Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa, ở Hà Tĩnh. Ông Xiong Anl In, vào tối ngày 4/1 đã bị Công an thị xã Kỳ Anh phạt 500 ngàn đồng vì vi phạm nồng độ cồn khi đi xe đạp. Ông Xiong Anl In được nói rằng đến ngày 7/1 vẫn chưa đến trụ sở công an để nộp phạt. Theo quy định, trong trường hợp quá 7 ngày kể từ ngày bị xử lý mà vẫn không nộp phạt thì mức phạt sẽ bị tăng.
Cục Cảnh sát giao thông được báo giới dẫn lời cho biết Nghị định 100/NĐ-CP quy định người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt khi có nồng độ cồn vượt mức số 0 và mức phạt thấp nhất là 400 ngàn đồng cho đến cao nhất là 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong thời gian 22-24 tháng.
Nghị định mới đã vấp phải nhiều chỉ trích từ người dân vì cho rằng mức độ cồn đưa ra trong quy định quá thấp, thậm chí người ăn một số loại hoa quả nhất định cũng có thể đo được nồng độ cồn trong hơi thở và bị phạt oan.