Nhiều huyện tại tỉnh Quảng Nam xảy ra động đất, sạt lở núi. Trong đó, tuyến Quốc lộ 40B nối huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đang bị chia cắt do trận sạt lở núi mới nhất gây nên.
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn xác nhận của ông Đinh Văn Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don, huyện Nam Trà My, và đưa tin ngày 17/11.
Theo lời ông Vượng, trên Quốc lộ 40B xuất hiện đống đất đá cao 4m được xác định là do một quả đồi trút xuống vì sạt lở.
Vụ việc đã được báo cáo lên huyện, đang chờ huy động máy móc để đào thông tuyến đường từ huyện Nam Trà My qua tỉnh Kon Tum. Hiện chính quyền địa phương vẫn đang rà soát để xác định có nạn nhân nào bị vùi lấp khi sạt lở xảy ra hay không.
Trong khi đó, tại xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, có nhiều vết nứt xuất hiện trên núi khiến người dân lo ngại sạt lở đất.
Cụ thể, theo lời ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cho biết các vết nứt tại núi xuất hiện từ bão số 9 đến nay và có dấu hiệu lớn thêm.
Gần trụ sở UBND xã, vết nứt kéo dài hơn 40 m, khe nứt rộng gần 30 cm băng ngang vườn và nhà 1 hộ dân. Ngay dưới vết nứt là nhà 4 hộ dân với gần 20 nhân khẩu. Trong đó, có 1 hộ đã được di dời.
Ở núi Cáp Tun, thôn 1 cũng xuất hiện 3 vết nứt, kéo dài hơn 50m. Dưới chân khu vực có 16 hộ dân với 62 nhân khẩu.
Hiên phía chính quyền đã di dời 70 hộ dân với 280 nhân khẩu đến trụ sở xã để tránh, trú bão tạm thời.
Tại khu vực tiếp giáp huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi liên tục chịu dư chấn động đất và sạt lở núi, hiện đang bị cô lập, chia cắt.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời Chủ tịch UBND xã Sơn Long, ông Đỗ Thanh Vượt cho biết chưa bao giờ bị sạt núi nặng như năm nay, nhiều thôn bị nguy hiểm bởi sạt liên tục. Lãnh đạo xã đã sơ tán, di dời 86 hộ dân vùng sạt lở núi.
Vẫn theo ông, đất đá từ núi đổ xuống quá lớn xã không thể khắc phục để thông tuyến cho người dân qua lại, có gần 1.000 hộ dân các vùng núi vẫn bị cô lập toàn phần hoặc một phần.