Các đại biểu quốc hội đề nghị giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ.
Nhiều đại biểu Quốc hội trong ngày thảo luận 27/5 góp ý dự kiến Chương trình giám sát của quốc hội năm 2024 đã nêu như trên vì cho rằng đó là vấn đề cử tri và người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Truyền thông nhà nước dẫn đề nghị của đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn ĐBQH tỉnh Kontum, tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, thành viên chính phủ. Về hoạt động giám sát cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu Thanh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra.
Cùng ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, cũng nêu thực tế rằng không phải tổ chức nhiều cuộc giám sát, nhiều cuộc làm việc là đem lại hiệu quả cho cuộc giám sát mà muốn nâng cao chất lượng giám sát thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn giám sát, phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề, kiến nghị phù hợp và đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng.
Từ những vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH khi tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương nên giao cho Đoàn đại biểu QH phối hợp với Thường trực HĐND giám sát chung mà không tách để tránh sự lãng phí trong công tác tổ chức. Đồng thời, kiến nghị khi Đoàn giám sát Trung ương đến địa phương làm việc trực tiếp không nên giao cho Đoàn đại biểu QH tổ chức giám sát lần trước nữa để tránh sự trùng lặp trong hoạt động giám sát.
Trước đó hôm 26/5, nhiều đại biểu đã thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri khi cho rằng việc thảo luận sẽ góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri của Quốc hội, các bộ, ngành.
Các đại biểu đề nghị Ban Dân nguyện quan tâm hơn nữa, đôn đốc việc trả lời kiến nghị của cử tri với các bộ, ngành trung ương-nhất là kiến nghị của cử tri được tiếp thu, triển khai nhưng chưa giải quyết dứt điểm hoặc một số cơ quan ban ngành trả lời không đúng trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn tỉnh Thanh Hóa) chỉ rõ, trên thực tế công tác giải quyết kiến nghị của cử tri cũng còn có nhiều vướng mắc, khó khăn, nhiều vấn đề vướng mắc trong cơ chế… Chính phủ, các bộ, ngành cần phải rà soát, xem xét lại, đối với những vấn đề chưa ban hành thì cần khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật.