Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thông qua kế hoạch hành động trong nghề cá từ nay đến 2025 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá, đóng góp vào an ninh quốc gia và khu vực cũng như hội nhập quốc tế. Thông tấn xã Việt Nam ngày 25 tháng Một loan tin vừa nêu.
Đây là biện pháp tổng quát, mới nhất được đưa ra sau khi Việt Nam bị Liên Minh Châu Âu cảnh cáo “thẻ vàng” liên quan đến những vi phạm trong ngành đánh bắt vào tháng 10 năm ngoái.
Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông sẽ thành lập một nhóm thanh tra liên ngành chịu trách nhiệm phòng ngừa các vi phạm thông qua việc quản lý và kiểm tra các nguyên liệu sản phẩm nhập khẩu từ biển.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cấp hệ thống kỹ thuật của các trạm trên bờ tại Cục Thủy sản và 28 tỉnh, thành ven biển nhằm tận dụng tối đa thông tin từ 10.000 tàu đánh cá, đồng thời, thiết lập một cơ sở dữ liệu đánh bắt cá để theo dõi và xác nhận nguồn gốc của cá đánh bắt địa phương, và một hệ thống giám sát hiệu quả để từ chối nhập khẩu sản phẩm từ đánh bắt IUU.
Từ năm 2021 đến năm 2025, Việt Nam xác định đầu tư vào ba trung tâm đánh cá chính, các cảng cá và các trung tâm hậu cần để tạo điều kiện cho các tàu cá nước ngoài đóng và vận chuyển cá.
Với vị trị địa lý thuận lợi gồm 3.260 km đường bờ biển cùng hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam hy vọng trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế vào năm 2020. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt hơn 8,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước.
“Bảo kê” ngư trường diễn biến phức tạp
Trong khi đó, tại Cà Mau, tình trạng tranh chấp ngư trường vẫn liên tục diễn biến phức tạp khiến nhiều ngư dân bức xúc, Mạng báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin này vào ngày 25 tháng một.
Tình trạng tranh giành và chiếm giữ ngư trường đã dẫn đến nhiều cuộc đụng độ căng thẳng giữa các ngư dân. Đặc biệt, có nhóm còn ngang nhiên chiếm giữ và buộc ngư dân phải trả phí 30 triệu đồng nếu đánh bắt trong vùng biển mà họ đang chiếm giữ.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Cà Mau, có xảy ra hiện tượng tranh chấp ngư trường tại một khu vực được xác định; còn việc cho thuê ngư trường thì chưa có đủ cơ sở thông tin để kết luận.
Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để điều tra và làm rõ những phản ánh của người dân đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực xảy ra tranh chấp để kịp thời ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá trái phép, góp phần bảo vệ an ninh trên biển để người dân có thể yên tâm sản xuất.