Việt Nam sẽ sớm triển khai thêm gói hỗ trợ COVID-19 lên tới 26.000 tỉ đồng

Gói hỗ trợ COVID-19 cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) lên tới 26.000 tỉ đồng.

Thông tin trên được Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho truyền thông Nhà nước hay trong ngày 30 tháng 6.

Theo đó, Bộ trưởng Dung cho rằng Bộ đã báo cáo về gói cứu trợ 26 ngàn tỷ tại phiên họp Chính phủ trong ngày 29/6 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Tại đây, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu để đảm bảo hộ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đáp ứng nguyện vọng của đại đa số người dân.

Trước đó, hôm 25/6, cũng theo lời Bộ trưởng Dung thì Bộ Chính trị cũng đã đồng ý chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Cũng trong ngày 30/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong chuyến công tác tại Đắk Lắk, xác nhận Bộ Chính trị đã bàn và quyết định tiếp tục sớm triển khai các gói hỗ trợ mới cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Tại cuộc họp báo cáo tình hình lao động sáu tháng đầu năm diễn ra hôm 24/6, Bộ Lao động cho biết có gần 10 triệu người lao động đã, đang và sẽ bị tác động bởi COVID-19, trong đó hơn nửa triệu lao động đã mất việc, trên 19% cơ sở sản xuất kinh doanh và trên 2% hợp tác xã đã bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch.

Bộ Lao động cũng dự báo dịch bệnh nếu tiếp tục tác động đến khu công nghiệp, khu chế xuất thì có khả năng khoảng 2 triệu rưỡi người lao động phải cách ly, ngừng việc.

Hồi tháng 4/2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ VN đã đồng ý gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng. Truyền thông Nhà nước cho hay đã có trên 13 triệu người được hưởng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với tổng kinh phí trên 13 ngàn tỉ đồng. Trong đó có trên một triệu lao động tự do và trên 37 ngàn hộ kinh doanh nhận được tiền hỗ trợ.

Tuy nhiên, hai tháng sau khi gói hỗ trợ được đưa ra, nhiều người lao động và doanh nghiệp cho hay họ không tiếp cận được gói hỗ trợ do thủ tục xác minh quá rắc rối, phiền phức. Chưa kể có nhiều lãnh đạo địa phương đã trục lợi từ tiền hỗ trợ này như sự việc xảy ra ở Quảng Trị. Mỗi người nghèo khi nhận được 750 ngàn đồng phải “tự nguyện” trích lại 50 ngàn cho cán bộ “uống nước”.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 27/5/2021, theo Bộ Lao động cho biết, gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ chỉ mới giải ngân được 53%.