Ông Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào lúc 15 giờ ngày 23/10/2018 được Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu và chính thức trở thành tân Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
AFP loan tin ông Nguyễn Phú Trọng được bầu với 99,8%. Còn theo truyền thông trong nước dẫn công bố của Trưởng Ban Kiểm Phiếu thì có 477 trên tổng số 485 đại biểu quốc hội có mặt. Số phiếu phát ra là 477 và số phiếu đồng ý là 476, chỉ có 1 đại biểu không đồng ý.
Ông Nguyễn Phú Trọng, năm nay 74 tuổi, là người duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu vào danh sách bầu cử giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào ngày 29 tháng 7 vì “virus hiếm, độc”.
Lúc 15h 15 phút ngày 23/10, ông Nguyễn Phú Trọng đặt tay lên cuốn Hiến pháp Việt Nam và tuyên thệ như sau: “Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân VN giao phó.”
Đoạn video trực tiếp trên Facebook Truyền hình Quốc hội Việt Nam dừng đột ngột không lý do lúc tân Chủ tịch nước Việt Nam cho hay ông “vừa mừng, vừa lo”, trong lúc nhiều tài khoản Facebook thả những biểu tượng cảm xúc phẫn nộ và biểu tượng mặt cười khi ông này phát biểu.
Đoạn video này sau đó bị xóa khỏi trang Facebook chính thức của Quốc hội Việt Nam.
Trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu với báo giới cho rằng việc Tổng bí thư làm luôn chức Chủ tịch nước "không phải nhất thể hoá, và đây chỉ là tình huống".
Trong bài phát biểu của mình, tân Chủ tịch nước tiết lộ thời gian qua Việt Nam đạt được những thành tựu lớn, tuy nhiên không được chủ quan. Ông cũng thừa nhận: “Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ. Sự hiểu biết là không đáp ứng yêu cầu nên tôi rất lo. Trong khi đó tuổi tác thì đã lớn rồi.”
Một số báo trong nước khi đăng tải lại đoạn ghi toàn văn lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng đã lược bỏ bớt đoạn này.
Theo một bài báo của VTC News từ năm 2015, ông Nguyễn Phú Trọng sau khi nghe nhiều cử tri kiến nghị về việc nhất thể hóa ở địa phương và trung ương đã nói rằng: "Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?"
Bài viết này sau đó đã bị rút xuống sau khi được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khi tin ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu bầu Chủ tịch nước loan đi.
AFP dẫn nhận định của các nhà phân tích là ông Nguyễn Phú Trọng sau khi nhận thêm chức chủ tịch nước chắc hẳn sẽ thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng mà ông từng chủ xướng kể từ năm 2016.
Cũng theo AFP dưới thời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình trạng đàn áp những tiếng nói đối lập là mạnh tay với hơn 55 người bị bỏ tù chỉ riêng trong năm 2018. Các tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng biện pháp trấn áp đối lập chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chúc mừng ông Trọng
Ngay sau khi ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được quốc hội Việt Nam bầu để kiêm thêm chức chủ tịch nước, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ra thông cáo chúc mừng.
Theo đại sứ Daniel Kritenbrink thì việc ông Nguyễn Phú Trọng được chọn kiêm thêm chức chủ tịch nước diễn ra vào lúc quan hệ song phương Việt- Mỹ mạnh hơn bao giờ hết.
Thông cáo của Đại sứ Hoa Kỳ nói rõ trong hai thập niên qua, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau tìm kiếm mục tiêu chung dựa trên những lợi ích chung. Đôi bên mở rộng quan hệ an ninh, thiết lập quan hệ kinh tế- thương mại mới, cũng như tăng cường mối quan hệ giữa nhân nhân hai nước.
Đại sứ Daniel Kritenbrink bày tỏ mong muốn được làm việc chặt chẽ với ông chủ tịch Nguyễn Phú Trọng trong công tác củng cố thêm nữa và mở rộng mối Quan hệ Đối Tác Toàn Diện Hoa Kỳ- Việt Nam.