Ông Nguyễn Phú Trọng báo cáo Quốc hội đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Chủ tịch nước, lắng nghe ý kiến cử tri

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có báo cáo gửi Quốc hội Việt Nam, xác định ông đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này hôm 21/3.

Báo cáo nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016 -2021 được ông Trọng xác định: “Trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã thực hiện nghiêm quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ và bầu giữ chức vụ Thủ tướng, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Đồng thời đề nghị Quốc hội miễn nhiệm và phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.”

Trong báo cáo của mình, ông Trọng cũng cho biết ông đã: “lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.”

Nói về việc ân giảm từ tử hình xuống chung thân, trong báo cáo của mình, ông Trọng cho biết việc xem xét được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, đúng quy định. Chủ tịch nước đã quyết định ân xá tha tù trước thời hạn cho gần 4.400 phạm nhân.

Về án tử hình, báo cáo cho biết việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện thận trọng. Chủ tịch nước đã quyết định bác đơn xin ân giảm của 295 bị án; quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 94 bị án, gửi trả 23 hồ sơ về TAND Tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền vì người phạm tội không viết đơn xin ân giảm án tử hình mà chỉ viết đơn kêu oan, đơn xin thi hành án.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, ông Trọng cũng thừa nhận một số những hạn chế trong nhiệm kỳ của mình bao gồm việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Ngoài ra, Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.

Ông Trọng cũng cho rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của Chủ tịch nước khiến ông phải tạm hoãn hoặc một số hoạt động đối ngoại.

Ông Trọng được bầu vào vị trí Chủ tịch nước thay ông Trần Đại Quang vào ngày 23/10/2018 sau khi ông Quang đột ngột từ trần.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước, tình hình sức khoẻ của ông Trọng (77 tuổi) đã là chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là sau khi ông phải vào bệnh viện cấp cứu trong chuyến thăm Kiên Giang hồi tháng 4 năm 2019. Sau đó, ông đã vắng mặt trên chính trường khoảng 1 tháng.Báo chí Nhà nước Việt Nam chỉ đưa tin ngắn gọn là điều kiện làm việc với cường độ cao và thay đổi thời tiết đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông Trọng, nhưng không nói ông bị bệnh gì cụ thể.

Ông Trọng sau đó xuất hiện trở lại với dáng đi chậm chạp và thường xuyên phải có người đi cùng khiến có những đồn đãi trên mạng xã hội rằng ông bị đột quỵ và điều này đã ảnh hưởng đến việc đi lại của ông.

Chuyến đi thăm Mỹ theo dự định của ông Trọng vào tháng 10 năm 2019 cũng đã không thể diễn ra theo kế hoạch.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trọng cũng gặp phải những chỉ trích từ giới hoạt động xã hội vì ông đã im lặng trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải, người bị kết án tử hình với cáo buộc tội giết người trong mộ vụ án xảy ra vào năm xảy ra vào năm 2008 ở Bưu cục Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An khiến hai nữ nhân viên bưu điện bị giết hại.

Hồ Duy Hải và gia đình đã nhiều lần kêu oan, khẳng định mình không phạm tội. Báo chí trong nước và giới luật sư cũng chỉ ra những khuất tất trong quá trình điều tra vụ án. Thậm chí, một số đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ án.

Tuy nhiên, tại phiên Giám đốc thẩm của vụ án diễn ra vào tháng 5/2020 do Chánh án Nguyễn Hoà Bình làm chủ toạ, phán quyết giám đốc thẩm vẫn xác định Hải phạm tội.

Những người quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải lúc đó đã có những mong đợi về khả năng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ ân xá cho Hồ Duy Hải nhưng điều này đã không xảy ra.

Trước đó, vào năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án Nhân dân Tối cao.

Quốc hội Việt Nam vào tháng 5 tới sẽ bầu Chủ tịch nước mới thay thế ông Trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử vào vị trí này.