Công an Hà Nội vừa mới đưa nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh quay trở lại trạm tạm giam dù đang điều trị cùng lúc cả hai bệnh tâm thần và ung thư.
Gia đình cho biết, vào ngày 22 tháng 3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định bắt tạm giam cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và đưa bà trở lại Trại tạm giam số 2.
Sự việc này diễn ra trong bối cảnh nhà hoạt động nhân quyền người Hà Nội đang trải qua quá trình điều trị ung thư tử cung, sau khi được chuẩn đoán mắc căn bệnh này hồi tháng 1 năm 2023.
Điều đáng nói là trước đó phía công an đã chủ động đề nghị gia đình viết đơn xin tại ngoại nhằm cho phép bà Hạnh về nhà điều trị ung thư. Công an địa phương cũng đã gọi cho gia đình "chúc mừng Hạnh sẽ được tại ngoại", nhưng sau lại đột ngột thay đổi quyết định.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Nguyễn Thúy Hạnh viết về phản ứng của bản thân về sự việc này, trong đó có đoạn:
“Tui và gia đình rất bất ngờ về sự thay đổi này, đang rất sốc và lo lắng về tình trạng sức khỏe của Hạnh trong trại tạm giam. Mỗi lần xạ hoá trị về, Hạnh rất đau đớn và mỏi mệt, không ăn uống được gì ngoài một chút sữa ensure. Trong điều kiện của trại tạm giam gia đình rất lo ngại không đảm bảo cho Hạnh được hồi phục.”
Bị bắt hồi tháng 4 năm 2021, nhà hoạt động nổi tiếng với sáng kiến Quỹ 50k chuyên giúp đỡ cho thân nhân của tù nhân lương tâm và gia đình họ, bị cáo buộc có hành vi “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, hồi tháng 4 năm 2022, chính quyền đã đưa bà Nguyễn Thúy Hạnh vào bệnh viện tâm thần để điều trị bắt buộc sau hai lần giám định bà bị rối loạn trầm cảm cấp tính, và giữ ở đó trong hai năm.
Như vậy, cho đến nay nhà hoạt động này đã bị giam giữ ba năm liên tiếp dưới nhiều hình thức, mà chưa được ra tòa.
Hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự và nhân sĩ trí thức ở trong và ngoài nước thời gian qua đã ký tên vào thỉnh nguyện thư kêu gọi chính quyền trả tự do cho bà Hạnh để chữa bệnh hiểm nghèo, căn cứ theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trao đổi với RFA, luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm đã dành tổng cộng 6 năm rưỡi trong tù, cho biết quan điểm của ông trước việc chính quyền đưa bà Nguyễn Thúy Hạnh vào trại giam khi đang điều trị ung thư:
“Tôi thực sự hết sức bất ngờ, thậm chí là sốc trước quyết định của cơ quan an ninh điều tra, công an Tp. Hà Nội. Bởi vì một người đang ở trong bệnh viện điều trị tâm thần thì điều kiện giam giữ tốt hơn, và điều kiện chữa bệnh cũng tốt hơn là khi đưa chị Nguyễn Thúy Hạnh quay trở lại trại tạm giam.
Điều kiện để điều trị bệnh trong trại tạm giam hết sức nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu chữa trị những bệnh nan y như bệnh ung thư.”
Và theo ông thì với điều kiện giam giữ của trại tạm giam thì sức khỏe và thậm chí là cả tính mạng của bà Nguyễn Thúy Hạnh sẽ bị đe dọa.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh được biết đến qua các hoạt động hỗ trợ người thân của các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, và nạn nhân của các vụ cưỡng chế đất đai, trong đó có vụ Đồng Tâm.
Vụ bắt giữ nhà hoạt động này bị các tổ chức nhân quyền phản đối và tố cáo là “vi phạm nhân quyền” và “có động cơ chính trị”.