Không có dấu hiệu chấm dứt nạn phá rừng vì thiếu hụt nguồn tài trợ từ các chính phủ

Các quốc gia trên thế giới chỉ chi một phần nhỏ của ngân khoản 500 tỷ USD cần thiết mỗi năm cho mục tiêu ngăn chặn nạn mất rừng và khôi phục rừng để đối phó với biến đổi khí hậu.

Reuters loan tin ngày 12/10, dẫn cảnh báo của các nhà nghiên cứu trong báo cáo thường niên dựa trên Tuyên bố về Rừng của Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố về Rừng do hơn 200 quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức vì môi trường thông qua hồi năm 2014 tại New York, cam kết đến năm 2030 sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng rừng vào các mục đích khác.

Các nhà nghiên cứu, gồm 28 nhóm xã hội dân sự và nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng mục tiêu này sẽ không đạt được và nhiều chính phủ các quốc gia cho đến nay vẫn chưa đề xuất mục tiêu bảo vệ rừng cụ thể chiếu theo Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015.

Báo cáo cũng cho thấy, kể từ năm 2010, các quốc gia chỉ đầu tư từ 0,5 đến 5% của tổng số khoảng 460 tỷ USD cần thiết mỗi năm để bảo tồn, quản lý và hồi sinh rừng trên thế giới.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận nỗ lực của một số quốc gia nhằm chống nạn phá rừng. Việt Nam được khen đã thông qua các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.