Một báo cáo của Bộ Tư pháp mới đây cho thấy các Chủ tịch và Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) ở nhiều thành phố của Việt Nam thường không tham dự các triệu tập của toà đến các phiên xử án hành chính, và thường uỷ nhiệm cho cấp dưới làm thay.
Trang tin Thanh Niên hôm 8/10 trích báo cáo của Bộ Tư pháp gửi tới Quốc hội cho biết tỷ lệ chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên toà hành chính “còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm”.
Theo báo cáo, sau khi luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 tới nay, Chủ tịch UBND làm văn bản uỷ quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa từng tham gia bất cứ phiên đối thoại hay phiên toà nào.
Thậm chí, tại một số địa phương, theo báo cáo, các chủ tịch và phó chủ tịch được uỷ quyền còn có văn bản gửi toà đề được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà toà triệu tập.
Lý do thường được đưa ra là các chủ tịch và phó chủ tịch ở các thành phố lớn như Hà Nội rất bận và khó sắp xếp lịch để dự toà.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ năm 2017 đến 2019, số lượng bản án mà người thi hành là các UBND, chủ tịch UBND các cấp và cơ quan hành chính nhà nước, đã thi hành chỉ chiếm 68% trong tổng số 1.052 bản án phải thi hành.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, số bản án mà các cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành (bao gồm cả án tồn đọng) là 716 vụ nhưng số bản án được thi hành xong là 244 vụ, chiếm 34%.
Cũng tin liên quan đến các cơ quan hành chính của Chính phủ, một báo cáo của Bộ Nộ vụ gửi Quốc hội mới đây cho thấy tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức sai còn khá phổ biến ở Việt Nam.
Theo báo cáo, từ năm 2017 đến 2019 đến nay, có 252 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng, 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm.
Những sai phạm chủ yếu được phát hiện bao gồm: không thực hiện đúng quy định về thành lập Hội đồng tuyển dụng, không công khai thông báo tuyển dụng, hình thức thi đối với một số môn thi ở nhiều kỳ thi không đúng, việc chấm thi còn có sai sót, miễn thi môn ngoại ngữ, tin học và ưu tiên trong tuyển dụng không đúng quy định (đối với việc thi tuyển, xét tuyển); tuyển dụng công chức đối với các trường hợp đặc biệt không đúng tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên môn hoặc thời gian công tác, không thực hiện đủ trình tự trong việc kiểm tra, sát hạch hoặc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.