Một người dân ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bị thiệt mạng sau 5 ngày bị bắt giữ ở đồn công an.
Truyền thông trong nước, vào ngày 14 tháng 3 cho biết nạn nhân là ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1977, bị công an huyện Nam Đàn bắt cùng với một nhóm người và được đưa về tạm giữ trong đồn công an vào ngày 8 tháng 3, để điều tra do liên can đến hành vi đánh bạc.
Đến sáng ngày 13 tháng 3, công an huyện Nam Đàn gọi điện thoại cho gia đình của ông Tuấn, yêu cầu đến trụ sở công an chở ông Tuấn đi khám bệnh vì có dấu hiệu ngủ nhiều, đánh thức không dậy. Tuy nhiên, khi gia đình đến nơi thì được thông báo rằng ông Tuấn đã được đưa đi bệnh viện ở huyện và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An. Đến 10 giờ tối cùng ngày, ông Tuấn tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, ở Hà Nội và bác sĩ cho biết trường hợp của ông Tuấn có thể không qua khỏi do bị tụ máu dưới màng cứng não. Đến 5 giờ 35 sáng ngày 14 tháng 3, ông Tuấn mất tại nhà sau khi được đưa về từ bệnh viện.
Báo giới dẫn nguồn từ Công an tỉnh Nghệ An cho biết cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm tử thi trong cùng ngày 14 tháng 3 và đang tiếp tục làm rõ về nguyên nhân gây ra cái chết đối với nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn, nên không thể cung cấp thông tin chi tiết.
Đây là trường hợp mới nhất được truyền thông nhà nước loan tải liên quan tình trạng người dân bị chết bất thường ở đồn công an.
Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ, vừa được công bố vào ngày 13 tháng 3, ghi nhận tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an, mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó; thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.
Tại buổi điều trần trước Liên Hiệp Quốc hôm 11/3 và 12/3 vừa qua, đại diện Việt Nam nói rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”, hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.