Việt Nam: Chỉ 4.000 tấn gạo được xuất khẩu

Trên website của Tổng cục Hải quan, tính đến 14h ngày 17/4 đã có 4.110 tấn gạo được xuất khẩu, tức chỉ hơn 1/100 số gạo có tờ khai xuất bến.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong chưa đầy 20 giờ đồng hồ tính từ đầu ngày 12/4, đã có 39 doanh nghiệp đăng ký 521 tờ khai tại 13 chi cục hải quan với tổng số lượng gạo đã đăng ký xuất khẩu gần 400.000 tấn.

Tuy nhiên, trong số này lại có 4 doanh nghiệp cũng nằm trong danh sách trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020.

Điển hình như Tổng công ty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn nhưng đến nay vẫn chưa ký hợp đồng. Dù vậy doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu với 8 tờ khai, số lượng 7.200 tấn.

Hoặc như Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu gần 18.000 tấn, nhưng cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp vừa có tờ khai xuất khẩu vừa trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng “xù” thầu.

Hiện Việt Nam chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng cung cấp đủ lượng gạo đã trúng thầu dự trữ quốc gia rồi mới được xuất khẩu gạo.

Trước tình trạng này, Các Chi cục Dự trữ thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa quyết định huỷ kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu dự trữ gạo quốc gia để thực hiện đấu thầu lại vào tháng 5 tới đây.

Tổng Cục Dự trữ Nhà nước cho hay tính đến hết ngày 8/4, trong tổng số 190.000 tấn gạo kế hoạch đấu thầu, có 12.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu; 178.000 tấn gạo có nhà thầu trúng thầu nhưng mới chỉ ký được hợp đồng 7.700 tấn gạo. Số lượng gạo các nhà thầu từ chối ký hợp đồng là 170.300 tấn gạo.

Nguyên nhân các doanh nghiệp trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng được cho rằng do dịch bênh COVID-19 nên giá gạo tăng cao so với thời điểm đấu thầu.

Trả lời trên VTV vào tối 16/4, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp vừa qua đã được đoàn liên ngành của Bộ Công Thương và các bộ ngành cân nhắc, dựa vào tình hình dịch COVID-19.

Sắp tới các bộ sẽ rà soát lại sản lượng, nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước. Đồng thời xem lại lượng hàng hóa mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng và đang chờ ở cảng trong tháng 4.

Từ đó, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ ngành tính toán, cân đối lượng xuất khẩu gạo cho tháng 5.