Hơn 100 hộ dân làm nghề nuôi ngao tại Hải Phòng đã làm đơn khiếu nại liên quan đến việc di dời, giải toả hoạt động nuôi ngao tại quận Hải An và Kiến Thuỵ do ảnh hưởng đến bốn mỏ cát của các doanh nghiệp đã được cấp phép.
Tờ Dân Việt trong ngày 20/5 đã đăng bài viết thứ 11, trong loạt bài viết liên quan đến việc khiếu nại này, cho biết như vừa nêu.
Trong đơn khiếu nại gửi đến Thanh tra Chính phủ, người dân cho rằng không đồng tình với thông báo cưỡng chế của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát hành ngày 10/5/2022 và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giữ nguyên hiện trạng để các hộ dân được tiếp tục nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Nội dung đơn khiếu nại thể hiện, các hộ dân đã khai hoang, cải tạo đầm, bãi để nuôi ngao, sò, don từ trước những năm 1992. Từ đó đến nay, họ đã đầu tư rất nhiều tiền của để mở rộng sản xuất nuôi trồng, do đó nếu cưỡng chế sẽ khiến nhiều hộ dân mất nhà, không có công ăn việc làm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ.
Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp công dân (Thanh tra Chính phủ) theo tờ Dân Việt cho biết, trong ngày 18/5 sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của hơn 100 hộ dân, đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hải Hòng, chỉ đạo xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định, đồng thời đề nghị thông báo kết quả giải quyết đến Ban Tiếp công dân Trung ương.
Theo báo cáo của Hội nuôi ngao TP Hải Phòng hôm 9/5/2022, hiện tổng sản lượng ngao của các thành viên trong Hội nuôi ngao Kiến Thụy ước đạt khoảng 45.000 tấn/năm, giá trị từ 600 - 1.000 tỷ đồng/năm. Nghề nuôi ngao đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, với thu nhập thường xuyên khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.