Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vốn đã bị chậm trễ nhiều năm phải được bàn giao cho thành phố Hà Nội trước ngày 10/11/2021 theo chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với Bộ Giao thông Vận tải trong buổi làm việc ngày 27/10. Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày.
Việc gấp rút bàn giao tuyến đường sắt gây nhiều tranh cãi được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới về giao thông.
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2011 do tổng thầu Trung Quốc là EPC thực hiện với vốn vay ODA của Trung Quốc lên đến hơn 868 triệu đô la.
Tuyến đường sắt gây tranh cãi không chỉ vì bị đội vốn lên quá cao (hơn 300 triệu đô la) mà còn vì đã bị trì hoãn đưa vào sử dụng trong nhiều năm.
Dự án ban đầu được xác định đưa vào sử dụng từ tháng 6/2015, nhưng sau đó bị lùi liên tiếp đến hơn 10 lần và qua năm đời bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mà vẫn không thể được bàn giao cho Hà Nội.
Một số lý do chính được giới chức Bộ Giao thông đưa ra bao gồm thiết kế sơ sài, phải điều chỉnh kỹ thuật làm tăng vốn; Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (EPC) chưa có kinh nghiệm, lần đầu thực hiện dự án tại Việt Nam; các quy định và chế tài xử lý đối với EPC của Việt Nam chưa đủ, EPC thiếu hợp tác với phía Việt Nam, từ chối thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ hôm 27/10 có bài phóng sự cho biết, sau hơn 10 năm thi công, dự án này vẫn chưa được đưa vào sử dụng, thiết bị tiền tỷ “đắp chiếu”, phủ bụi, hoen gỉ.
Mới đây, dù tuyến đường chưa đi vào hoạt động, nhưng Bộ Tài chính đã phải trích quỹ trả nợ gốc khoản vay của Trung Quốc lên đến gần 10 triệu đô la.