Sáng ngày 30 tháng 6, Toà án Nhân dân huyện Đức Hoà, tỉnh Long An mở phiên xét xử vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đối với các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai.
Tuy nhiên sau khi tham vấn ý kiến của luật sư hai bên, chủ toạ phiên toà đã quyết định hoãn phiên xét xử, và rời lịch xét xử tới ngày 20 tháng 7 năm 2022.
Trước đó, hôm 23 tháng 6, nhóm luật sư của các bị cáo cũng đã gửi đơn khiếu nại và yêu cầu hoãn phiên xét xử hôm nay, vì không đủ thời gian để chuẩn bị.
Thông qua trang Facebook cá nhân, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thành viên của nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo, cho biết hội đồng xét xử đã hội ý và ra quyết định hoãn phiên tòa sau khi nghe các bị cáo, đại diện người bị hại, các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát trình bày.
Ông cũng thông tin rằng có nhiều người liên quan đến vụ án đã không xuất hiện tại toà sáng hôm nay, bao gồm hai bị đơn là ông Thích Nhật Từ và ông Thích Minh Thiện, và người làm chứng là ông Trần Quốc Thắng, cán bộ Công an huyện Đức Hoà.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, ông Lê Thanh Minh Tú, con nuôi của ông Lê Tùng Vân người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai cho biết phản ứng của ông trước việc phiên toà bị hoãn:
“Lý do hoãn phiên toà ở đây thứ nhất là vì người bị hại là hai ông sư không ra mặt. Họ không dám đứng ra đối chất. Nếu mình đã đi thưa kiện thì phải có gan đứng ra làm chứng chứ, tại sao lại không dám đứng ra mà lại uỷ thác cho luật sư?
Họ nói một câu rất đơn giản là không muốn đối chất nên uỷ thác cho luật sư.
Người bị hại phải đứng lên nói mình bị hại cái gì, bị mất cái gì. Còn đây là không nói thông tin gì cả chỉ uỷ thác cho luật sư, tôi thấy cái này là sai. Bởi vì người bị hại mà không chứng minh được thì có nghĩa là vu khống.”
Qua đây ông Tú cũng cho rằng các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai đang đứng ở phía lẽ phải, vì những người tố cáo họ đã không dám ra đối chất trước toà.
Bị cáo buộc vi phạm khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự, các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai phải đối mặt với án phạt lên tới bảy năm tù giam nếu bị toà tuyên có tội.
Cơ quan công an cho rằng, họ đã làm và phát tán năm video clip và một bài viết có nội dung bị cho là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, và cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu cáo trạng và quan sát các cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc, nhóm luật sư bào chữa của Tịnh thất Bồng Lai đã xét thấy có nhiều sai phạm, do đó đã gửi đơn lên Trung ương để đề nghị can thiệp hôm 21 tháng 6.
Những người của cơ sở tụ tại gia bị truy tố gồm bà Cao Thị Cúc (60 tuổi) và các ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi).