15 hộ dân tiếp giáp với Nhà máy Xi măng Áng Sơn ở tỉnh Quảng Bình tiếp tục dựng lều trước cổng nhà máy phản đối ô nhiễm. Truyền thông trong nước loan tin hôm 8 tháng 11.
Tin cho biết, từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 11, 15 hộ dân này đã dựng lều bạt, căng rào chắn trước cổng vào nhà máy, yêu cầu lãnh đạo cho dừng hoạt động hoặc hỗ trợ cho các hộ dân đến nơi khác sinh sống. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng chính quyền địa phương, các sở, ngành đã tổ chức đối thoại, nghe đại diện các hộ dân trình bày nguyện vọng và bàn cách giải quyết.
Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân trình bày đã nhiều lần kiến nghị, phản đối việc ô nhiễm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, do công ty đang khó khăn về tài chính nên không có khả năng bồi thường cho 15 hộ dân này di dời ra khỏi khu vực. Tuy vậy, tỉnh sẽ tìm một vị trí theo tinh thần phù hợp với nguyện vọng của người dân, thỏa mãn các điều kiện quy hoạch, đảm bảo diện tích vừa nhà ở vừa có vườn để người dân di dời định cư có điều kiện thuận lợi.
Cũng liên quan việc di dời do ô nhiễm, nhiều người dân Quảng Ngãi sống gần lò luyện gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng đang mong chờ được chuyển đến khu tái định cư nhưng chưa thể đi vì nhiều lý do.
Báo Nhà nước trích lời một người dân cho biết lý do họ dùng dằng chưa muốn đi nơi khác dù nơi này ô nhiễm: “Thứ nhất, khu tái định cư mà chính quyền địa phương dự kiến bố trí cho người dân vẫn chưa thi công xong. Thứ hai, giá đền bù nhà và đất đưa ra quá thấp. Đơn cử như gia đình hai đứa con gái cùng con trai tôi bàn giao nhà và tổng diện tích 600 mét vuông đất nhưng số tiền nhận được chỉ có 2 tỷ đồng."
Đó là hai lý do khiến người dân do dự chưa ký nhận đền bù và chấp nhận bỏ tiền đi thuê trọ để được sống trong môi trường trong lành.
Tháng 11 năm 2019 nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động tinh luyện. Từ đó đến nay, người dân nhiều lần giăng dây, dựng lều để phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm.