Người dân ở sáu tỉnh phía Bắc và một tỉnh Tây Nguyên sẽ được hỗ trợ miễn phí 3.308,61 tấn gạo từ nguồn Dự trữ Quốc gia.
Tin trên được truyền thông nhà nước loan trong ngày 14/9, theo nội dung Quyết định 1049 vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký trong ngày 13/9 giao Bộ Tài chính xuất cấp gạo hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt năm 2023.
Theo nội dung quyết định, sáu tỉnh được hỗ trợ gạo không thu tiền gồm Lai Châu (471,975 tấn); Điện Biên (824,775 tấn); Hà Giang (386,16 tấn); Bắc Kạn (106,935 tấn); Cao Bằng (933,165 tấn) và Đắk Lắk (585,6 tấn).
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo nhiệm vụ được giao xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.
Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Cao Bằng, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.
Hôm cuối tháng 6/2023, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines với gần 90% lượng gạo nhập khẩu vào nước này. Đến tháng 7/2023, thông tin từ tờ Đầu tư điện tử cho biết Việt Nam đã phải nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ trong 5 tháng 2023, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ tám trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Những năm gần đây, nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam tăng vọt, nhất là với mặt hàng gạo tấm. Các doanh nghiệp nhập khẩu cho biết do giá gạo nhập khẩu rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Năm 2022, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu gần một triệu tấn gạo từ Ấn Độ, Campuchia… Lúc bấy giờ đại diện Bộ Công thương cho rằng việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực.