Manila sắp bỏ lệnh cấm tàu nghiên cứu nước ngoài trong vùng biển của Philippines

Philippines sẽ dỡ bỏ lệnh cấm được ban hành vào năm 2018 về nghiên cứu khoa học nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế nước này, để có thể khai thác tài nguyên biển.

Reuters loan tin ngày 25/10, trích nội dung cố vấn an ninh quốc gia Philippines cho biết trong buổi trả lời truyền thông vào cùng ngày.

Trước đó, vào tháng 2/2018, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cấm tất cả các nghiên cứu khoa học của nước ngoài ở bờ biển Thái Bình Dương của Phi đồng thời ra lệnh cho hải quân xua đuổi các tàu trái phép.

Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon nói rằng việc cho phép các chính phủ và tổ chức nước ngoài thực hiện nghiên cứu hàng hải là điều tốt cho Philippines bởi vì điều này giúp Philippines biết hơn về các vấn đề hàng hải.

Vẫn theo ông Esperon, Philippines cũng đang tăng cường khả năng thực thi luật thủy sản nước này với kế hoạch mua thêm thiết bị bảo vệ bờ biển và phát triển tàu đánh cá đa năng.

Lệnh cấm nghiên cứu khoa học nước ngoài năm ngoái tập trung vào một khu vực gọi là Benham Rise mà Liên Hợp Quốc vào năm 2012 tuyên bố là một phần thềm lục địa thuộc Philippines.

Đây được cho là khu vực đa dạng sinh học và có nhiều cá ngừ. Các nhà khoa học từ Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khảo sát nơi đây nhiều lần.

Ông Esperon cho biết trước khi có lệnh cấm, một số tổ chức đã đến mà không được phép, trong khi một vài tàu khác lại không cho phép các nhà khoa học Philippines lên tàu của họ. Tuy nhiên ông không nói rõ tàu của nước nào.

Trong năm nay, 2 tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã bị phát hiện xuất hiện trong vùng biển do Philippines kiểm soát. Điều này đã khiến Manila phải lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao vào tháng 8 vừa qua.

Philippines cũng phản đối sự hiện diện của hơn 100 tàu cá Trung Quốc ngoài khơi đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát, nằm gần đá Subi, một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lấp và quân sự hóa.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ trong một phán quyết vào năm 2016.

Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng là các bên có đòi hỏi chủ quyền tại vùng biển này.