Lực lượng công an xuất hiện và yêu cầu nhóm 10 nhà hoạt động thuộc nhóm NO-U biểu tình trước Đại sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 6 tháng 8để phản đối việc Bắc Kinh tiến hành hoạt động thăm dò trên vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Sự việc diễn ra trong vòng 20 phút trưa ngày 6/8/2019, không có hành động bắt bớ nào đến từ lực lượng an ninh diễn ra như thường thấy.
Tin từ trong nước cũng như của hãng Reuters loan đi thì vào giờ gần trưa ngày 6/8/2019, một số người dân bao gồm các nhà hoạt động dân sự tiến hành căng băng rôn, hô khẩu hiệu chống Bắc Kinh ngay trước Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.
Băng rôn có nội dung cụ thể "Yêu cầu chính phủ Việt Nam nộp đơn kiện Trung Quốc lên tòa quốc tế". Ngoài ra những người tham gia biểu tình hô vang các khẩu hiệu: "Hoàng Sa, Việt Nam! Trường Sa, Việt Nam! Đả đảo Trung Quốc xâm lược Bãi Tư Chính!"...
Chị Hoàng Thị Hồng Thái, một người tham gia biểu tình cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Các anh chị rất bức xúc trước việc Trung Quốc đang gây hấn ở Biển Đông và họ cũng rất bức xúc việc chính phủ Việt Nam không có thái độ dứt khoát về điều đó. Thành ra có những anh chị như Thảo Teresa, anh Hưng, anh Lê Hoàng, Phương và mấy người nữa đến. Mục đích của cuộc biểu tình bất ngờ hôm nay là muốn chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về điều đó.”
Anh Lê Hoàng thì cho biết thái độ của lực lượng an ninh đối với những người tham gia biểu tình vào ngày 6 tháng 8 ở Hà Nội:
“Họ có ra và ý họ cũng như bảo thôi, không cho thể hiện như thế nữa. Lần này họ cũng ôn hòa chứ không như những cuộc biểu tình trước là giật băng rôn, khẩu hiệu, máy quay hay che bằng ô. Những hành động như thế rất là vô lý nhưng hôm nay theo tôi nghĩ chắc cũng có gì đó. Thực ra cũng là lòng dân nên họ cũng chỉ xua và nói thôi thôi.”
Trong thực tế, tàu khảo sát thăm dò dầu khí Hải Dương Địa Chất số 8 cùng đội tàu hộ tống của Trung Quốc trong một tháng qua tiến hành thăm dò trái phép trong vùng biển Việt Nam gây nên đối đầu giữa 2 nước. Hôm 5/8, Cục Hải sự đảo Hải Nam thông báo sẽ cho quân đội tập trận ở vùng biển Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Thông tin mới nhất được Giáo sư Carl Thayer thuộc Trường Đại học New South Wales, đưa trên Twitter hôm 3 tháng 8 cho thấy Trung Quốc đã điều 35 tàu các loại vào vùng biển Việt Nam, trong này có những tàu trang bị vũ khí hạng nặng. Lúc đỉnh điểm số tàu lên đến 80 chiếc.
Trước đó, hôm 30/7, truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin ngoại giao khác nhau cho biết phía Việt Nam đã thông báo cho Ấn Độ về những căng thẳng ở Bãi Tư Chính và xác nhận đã có khoảng 35 tàu Trung Quốc có mặt ở khu vực này. Đây cũng là khu vực gần những lô dầu khí mà Việt Nam đã cho Ấn Độ khai thác.
Theo các thông tin đã được nhiều nguồn xác định, vào tháng 5 vừa qua, công ty Rosneft của Nga đã ký hợp đồng với một công ty Nhật Bản để giàn khoan Hakuryu 5 tiến hành khoan ở lô 06.1 ở bể Nam Côn Sơn. Hai tàu hậu cần của Việt Nam thường xuyên đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06.1 để cung cấp hậu cần cho giàn khoan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây cho biết từ tháng 5, Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam không được khoan dầu.
Trung Quốc coi toàn bộ vùng nước và các thực thể nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này vẽ ra ở Biển Đông thuộc ‘vùng nước lịch sử’ của Trung Quốc. Bãi Tư Chính với lô 06.1 nằm trong khu vực này, dù bãi này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam căn cứ theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Theo Trang Minh Bạch Hàng Hải, từ ngày 16/6, tàu Hải cảnh Haijing 35111 đã đi vào gần khu vực lô 06.1 nằm ở phía tây bắc Bãi Tư Chính. Tàu này luôn đi gần các tàu hậu cần của Việt Nam nhằm đe dọa các tàu này. Ngày 2/7, tàu 35111 thậm chí đi với tốc độ nhanh và chỉ cách các tàu hậu cần của Việt Nam khoảng 100 mét mỗi tàu.
Ngày 3/7, Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 được hộ tống bởi 4 tàu Hải Cảnh và một tàu dân binh, trong đó có tàu Hải cảnh 3901 là tàu hạng nặng cỡ 12.000 tấn tới khu vực phía bắc Bãi Tư Chính. Đối mặt với các tàu Trung Quốc vào lúc đó chỉ có 4 tàu Cảnh sát biển của Việt Nam.
Trong khi tại khu vực Bãi Tư Chính đang có căng thẳng như vừa nêu thì tin cho hay nhóm tàu tác chiến của Hoa Kỳ dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan vào ngày 5 tháng 8 tiến vào vùng biển của Philippines.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan hiện là một trong những tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan từng là chiến hạm lớn nhất của Mỹ cho đến năm 2017 khi Hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford xuất hiện; tuy nhiên đến nay USS Gerald Ford vẫn chưa được triển khai.