TNLT Đỗ Nam Trung bị chuyển tới trại giam cách xa nhà gần 200 km

0:00 / 0:00

Thân nhân của tù nhân lương tâm (TNLT) Đỗ Nam Trung hôm 26 tháng 5 thông báo ông này đã bị chuyển tới giam giữ tại một nhà tù nằm cách nhà ông ở Hà Nội khoảng 200 km.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, người chung sống với nhà hoạt động Đỗ Nam Trung, để biết thông tin mới nhất:

“Anh quản giáo của anh Trung gọi điện cho tôi nói rằng anh Trung đã được chuyển tới Trại 5 ở Thanh Hoá, tôi mới hỏi là chuyển từ bao giờ thì anh ấy trả lời rằng vừa chuyển lúc sáng nay, và anh Trung đã tới trại giam mới rồi.

Tôi cũng hỏi về thủ tục thăm nuôi ở trại giam mới thế nào, thì anh ấy nói cài này phải liên hệ với trại giam đó, vì quy định ở đó khác.”

Nhà hoạt động chống “BOT bẩn” Đỗ Nam Trung hiện đang bị thi hành bản án tù 10 năm mà tòa án Nam Định tuyên hồi tháng 12 năm 2021. Ông bị buộc tội “phán tán tài liệu chống nhà nước” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trại giam số 5 của Bộ Công an cũng là nơi giam giữ các tù nhân chính trị khác như nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, và nhà thơ Trần Đức Thạch.

Theo bà Tuyết thì thông tin ông Trung bị chuyển tới giam tại trại giam số 5 khiến bà cảm thấy bất ngờ. Trước đó gia đình hy vọng rằng ông Trung sẽ được chuyển tới một cơ sở giam giữ gần nhà để thuận tiện cho việc thăm nuôi, nhưng điều đó đã không thành sự thật:

“Nguyện vọng của gia đình thì gia đình nào cũng muốn người thân của mình được ở gần để việc thăm nuôi đỡ vất vả, khi mà tôi nói chuyện với anh đội trưởng đội tham mưu của trại giam Nam Định thì anh này nói rằng không biết sẽ chuyển anh Trung đi đâu, chỉ biết là sẽ chuyển đi trong tháng năm.

Sau đó thì đến hôm tôi lên thăm gặp anh Trung thì nhận được thông tin từ trong trại là anh Trung sẽ được chuyển tới trại Ba Sao ở Nam Hà, thì trại Ba Sao ở gần, chưa đến 100 cây số, nhưng đến hôm nay thì...”

Việc các tù nhân bị kết tội với các bản án liên quan đến an ninh quốc gia bị chuyển tới giam giữ tại các cơ sở xa nhà đã thành thông lệ ở Việt Nam.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền đều cho rằng đây là một hình thức trừng phạt mà chính quyền đưa ra, nhằm cản trở việc người thân đi thăm nuôi các tù nhân.