Bộ Công An: các tổ chức phản động ráo riết chống phá luật An ninh mạng

Bộ Công an Việt Nam hôm 13/7 nói rằng các tổ chức phản động và số chống đối trong và ngoài nước đang triển khai các hoạt động chống phá luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua hôm 12/6 vừa qua.

Trong mục trả lời câu hỏi, phần trả lời được đăng tải trên trang mạng của Bộ Công An cho rằng các tổ chức như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời và số đối tượng chống đối ráo riết và quyêt liệt triển khai các hoạt động chống phá luật An ninh mạng. Nguyên nhân được Bộ Công an đánh giá là do các tổ chức này trong những năm gần đây đã lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, chống phá Đảng, nhà nước. Lo sợ mất không gian hoạt động này, các tổ chức đó đã tiến hành các hoạt động chống phá luật mới.

Luật An ninh mạng của Việt Nam có những điều khoản bị nhiều người dân và các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối bao gồm việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng phải lưu trữ thông tin người dùng và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam được yêu cầu phải đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam và cũng phải cung cấp các thông tin của người dùng khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Trang mạng của Bộ Công an có đoạn viết rằng 'Ngay sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, hoạt động chống phá Luật càng trở lên quyết liệt, các tổ chức phản động và số đối tượng chống đối liên tục tự tổ chức quay các video, clip, trích dẫn thông tin sai lệch, lồng ghép, xuyên tạc nội dung phát biểu của một số đại biểu Quốc hội, hô hào, kích động quần chúng nhân dân phản đối Luật An ninh mạng.'

Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ ngay từ trước khi luật An ninh mạng được thông qua đã lên tiếng phản đối luật này vì cho rằng luật mới sẽ bóp nghẹt quyền bày tỏ ý kiến của người dân, cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ Hoa Kỳ đã nêu trực tiếp ý kiến này với lãnh đạo Việt Nam.

Bộ Công An thừa nhận mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và được đa số đại biểu quốc hội tán thành, nhưng do luật có quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trực tiếp các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng nên vẫn còn những ý kiến băn khoăn.

Bộ Công An khẳng định luật không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người dân, và không gây cản trợ hoạt động của doanh nghiệp.