Hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo cả nước

Số hộ nghèo người dân tộc thiểu số hiện nay chiếm 52.7% tổng số hộ nghèo trên cả nước.

Đó là thống kê được ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam công bố trong phiên họp Quốc hội sáng 23/10 tại Hà Nội.

Trang mạng Vietnamnews loan tin, trích nhận định của ông Chiến cho biết những hộ gia đình người dân tộc thiểu số nằm trong những vùng nghèo khó nhất của đất nước nhưng lại hiếm khi được đưa vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Từ năm 2016 đến 2018, nguồn tài trợ chính cho chính quyền địa phương từ ngân sách nhà nước được nói không đủ để hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội tại các khu vực miền núi nghèo khó.

Theo số liệu của ông Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam đưa ra, hiện nay có khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi không biết chữ. Những chương trình hỗ trợ giáo dục được nói có nhiều cải tiến nhưng khả năng tiếp cận của người dân tộc thiểu số với những chương trình này được nhận định là thấp.

Về vấn đề y tế, ông Chiến nói người dân tộc thiểu số ít đến các trạm y tế mặc dù được cấp bảo hiểm y tế. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh việc biến mất các sinh hoạt truyền thống của người dân tộc.

Nguyên nhân của những hậu quả trên được người đứng đầu Ủy ban Dân tộc Việt Nam cho biết là vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở vùng sâu vùng xa, dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực, đầu tư giáo dục và kinh tế kém, tình trạng thất nghiệp, biến đổi khí hậu, thiên tai và bệnh tật.

Bên cạnh đó, việc phối hợp kém hiệu quả giữa chính quyền địa phương và Chính phủ cũng là điểm bất cập được ông Bộ trưởng nêu ra.

Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, dân số Việt Nam hiện được ước tính là hơn 97 triệu người, tỷ lệ người nghèo chiếm hơn 10% dân số tức khoảng hơn 9 triệu người, 72% trong số này là người dân tộc thiểu số, phần lớn họ sống tại vùng cao.