Nga cam kết tăng cường hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông

Nga và Việt Nam cam kết sẽ tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, bao gồm cả việc triển khai các dự án hiện có hoặc mới với sự tham gia của các công ty Nga kết hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Đó là nội dung trong tuyên bố chung hai nước sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow hôm 30/11 vừa qua.

Theo tuyên bố này, lãnh đạo hai nước khẳng định cùng nhau quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030 trên nhiều lĩnh vực bao gồm: an ninh, quốc phòng, kinh tế, công nghệ thông tin và an ninh mạng.

Hợp tác kinh tế được coi là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên khẳng định sẵn sàng triển khai nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu và các nước thành viên theo hướng tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa bên cạnh những ưu đãi đã có trong hiệp định.

Dầu khí là một lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng giữa hai nước từ hàng chục năm nay với các liên doanh giữa các công ty của Nga và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Thông cáo chung nhắc đến tên các công ty Nga đang hoạt động trong các lĩnh vực về dầu khí tại Việt Nam bao gồm Zarubezhneft, Gazprom, Novatek và Rosatom.

Zarubezhneft là công ty Nhà nước của Nga. Công ty này hồi tháng năm năm nay cho biết đã mua lại toàn bộ 35% cổ phần của công ty Rosneft trong liên doanh Rosneft Vietnam BV đang hoạt động tại lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn của Việt Nam. Đây là khu vực đã từng bị tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu hồi năm 2019.

Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales, Canberra, Australia, vào tháng 8 năm 2019, bên lề Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bangkok và đề nghị Nga yêu cầu công ty Rosneft dừng các hoạt động khai thác ở Việt Nam, nhưng ông Lavrov đã từ chối đề nghị này.

Nga từ trước đến nay vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng bao gồm Việt Nam.

Trong tuyên bố chung Việt Nam - Nga, hai bên khẳng định: "Ủng hộ hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới, tính đến lợi ích của nhau trong hợp tác song phương và trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế. Không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau."

Giáo sư Carl Thayer trong bài phân tích trước chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đến Nga nhận định, hoạt động khai thác dầu khí của các công ty Nga với Việt Nam ở Biển Đông là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Nga với Trung Quốc. Ngoài ra, một vấn đề nhạy cảm khác là việc Nga bán vũ khí cho Việt Nam:

"Khu vực nhạy cảm thứ hai liên quan đến việc bán vũ khí cho Việt Nam, đặc biệt là tên lửa hành trình BrahMos. Trung Quốc được nói là đã gây sức ép lên Nga để Nga không bán vũ khí này cho Việt Nam. Nga rất quan tâm đến việc xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng".

Theo Giáo sư Carl Thayer, "Nga hướng đến mục tiêu gia tăng việc bán vũ khí trong khu vực, có thể thậm chí xây dựng một cơ sở sửa chữa, bảo hành ở Việt Nam để duy tu các thiết bị đã bán cho các quốc gia Đông Nam Á như máy bay trực thăng. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến 2018, vũ khí của Nga bán cho khu vực này chiếm 26%".

Tuyên bố chung hai nước mới đây khẳng định hai bên "sẽ tiếp tục làm sâu thêm hợp tác trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng, trên cơ sở luật quốc tế, vì hoà bình và ổn định ở khu vực và thế giới."