Blogger Đoan Trang được tự do

Ít nhất 2 nguồn tin khác nhau cho Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do biết sáng nay công an Tp. Hồ Chí Minh đã trả tự do cho blogger Đoan Trang.

Blogger Đoan Trang tên thật là Phạm Đoan Trang, 37 tuổi, bị an ninh giữ lại ở phi trường từ hôm qua, ngay sau khi cô từ Philippines về lại Việt Nam. Không chỉ là một blogger nổi tiếng, cố còn là một trong những người đóng góp tích cực trong tổ chức Mạng Lưới Blogger Việt Nam, tổ chức được dư luận trong và ngoài nước biết đến qua bản tuyên bố chống điều luật hình sự 258 của nhà cầm quyền CSVN được dùng để bắt bỏ tù những người sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để thông tin hoặc phát biểu ý kiến khác với quan điểm với nhà cầm quyền.

Sau khi Mạng Lưới Blogger Việt Nam ra đời, cô và một số thành viên tới dự các khóa thảo luận về xã hội dân sự tại Philippines. Đầu năm ngoái, cô cùng một phái đoàn gồm thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Con Đường Việt Nam, Dân Làm Báo, No-U Việt Nam, Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị v.v... tới Mỹ và một số quốc gia, thăm viếng một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, vận động dân chủ hóa Việt Nam. Sau đó được đại học University of Southern California tặng một học bổng nghiên cứu 10 tháng. Hết hạn, cô quay lại Philippines để trở về Việt Nam thì gặp rắc rối.

Cô Đoan Trang từng là phóng viên của báo Tuần Việt Nam, một bộ phận của báo điện tử VietnamNet. Vì cô viết blog trình bày những suy nghĩ riêng về các vấn đề thời sự nên đã bị ép nghỉ việc ở đây.

Những người theo sát tình hình Việt Nam đều biết đây không phải lần đầu tiên Blogger Đoan Trang gặp khó khăn. Hồi 2009, cô từng bị bắt ít ngày và sau đó cô cho biết phái chính quyền hiểu lầm là cô tham gia in ấn và phát tán các áo thun quảng bá “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” và chống khai thác bauxite ở Tây nguyên.

Bản tuyên bố ngày 20/7/2013 của MLBVN với chữ ký của hơn 100 thành viên chống điều luật 258 của Luật hình sự CSVN gây tiếng vang lớn đối với dư luận quốc tế. Bản tuyên bố này được gửi cho Ủy ban Nhân Quyền LHQ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và các chính phủ trên thế giới quan tâm đến tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.