Nên trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để doanh nghiệp đào tạo lại lao động có nguy cơ mất việc do COVID-19, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất vừa nêu hôm 16/3.
Trả lời truyền thông nhà nước Việt Nam cùng ngày, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm cho biết trong tháng 3 sẽ trình Chính phủ chính sách hỗ trợ này.
Theo đề xuất, dự kiến mỗi lao động sẽ nhận hỗ trợ một triệu đồng mỗi tháng, liên tục trong 6 tháng. Nếu được thông qua, khoảng một triệu người sẽ được thụ hưởng khoản tiền này.
Tin cho biết, doanh nghiệp muốn áp dụng chính sách vừa đề xuất phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục 12 tháng trở lên, phải thay đổi cơ cấu do ảnh hưởng của COVID-19, doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019... Đồng thời doanh nghiệp phải có phương án hỗ trợ đào tạo lao động cụ thể.
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất và cắt giảm lao động. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và World Bank, có gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn hoặc hoàn toàn.Trong đó, ngành may mặc chiếm 97%, thông tin truyền thông - 96% và sản xuất thiết bị điện - 80%. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ việc.
Trong một diễn biến khác, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 2.000 thuyền viên Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài vì đã quá thời gian làm việc 12 tháng trên biển, nhưng không có chuyến bay để về nước do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Cục phó Hàng Hải Việt Nam - ông Hoàng Hồng Giang khi trả lời báo chí cho biết, trong số khoảng 2.000 thuyền viên này, hồi đầu tháng 3 nhiều trường hợp đã được hồi hương, song số còn lại vẫn rất nhiều.
Cục Hàng Hải Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao và Chính phủ hỗ trợ các thuyền viên này.