Đề xuất giảm 4 tiếng/tuần cho người lao động

Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) kiến nghị khối doanh nghiệp giảm 4 giờ làm việc trong tuần đối với người lao động vì “đang có sự bất bình đẳng” giữa hai khu vực hành chánh (40 giờ/tuần) và doanh nghiệp (48 giờ/tuần).

Theo kiến nghị, người lao động sẽ được nghỉ chiều thứ 7 và Chủ nhật để tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cùng đề xuất với nguyên chủ tịch Tổng LĐLĐ. Theo đó, báo giới dẫn lời ông Bùi Sỹ Lợi hôm 2 tháng 10 rằng ông đề nghị Chính phủ đưa thêm nội dung về quy định giờ làm việc theo xu hướng như vừa nêu và báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Kiến nghị của ông Bùi Sỹ Lợi được đưa ra tại phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, diễn ra vào ngày 2 tháng 10 với lời nhấn mạnh rằng việc giảm giờ làm 4 giờ đồng hồ trong tuần cho người lao động trong khu vực sản xuất là “để đảm bảo sự bình đẳng”.

Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Bùi Văn Cường, tại phiên họp còn đưa ra ý kiến việc giảm 4 giờ làm việc trong tuần cho người lao động là xu hương tiến bộ trên thế giới nên Việt Nam cần thực hiện.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ghi nhận của Đại biểu Quốc hội về sự lo lắng của người lao động đối với quyết định giảm giờ làm việc vì họ được trả lương theo sản phẩm hoặc tính theo giờ công lao động, do đó đời sống có thể khó khăn hơn khi bị bớt giờ làm việc.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, diễn ra vào ngày 2 tháng 10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị lùi thời điểm trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đến năm 2020.

Lý do đề nghị lùi được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang đưa ra là do Luật Công đoàn bộc lộ các hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên cần phải được tiếp tục sửa đổi.

Việt Nam được cho là đang dưới sức ép bởi hai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPCPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA), là phải thành lập và chính thức hoạt động công đoàn độc lập.

Hai hiệp định này ràng buộc về yếu tố lao động và môi trường, được dẫn chiếu theo 8 Công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Hiện, Việt Nam đã ký kết thông qua 6 trong số 8 Công ước quốc tế ILO và còn được yêu cầu tham gia và phê chuẩn đầy đủ thêm 2 Công ước quốc tế 105 và 87.