Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra nghi vấn tiêu cực của công chức, cơ quan hải quan trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ ngày 12/4/2020.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 20/4, và cho biết trong công văn gửi Bộ Công an, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có trích dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian từ 0 giờ đến 6 giờ 15 ngày 12/4, đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu gần 400.000 tấn, trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai với 96.234 tấn.
Hiện các doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,57 tấn thì không được hệ thống tiếp nhận, vì hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xác minh thông tin báo chí, mạng xã hội và doanh nghiệp phản ánh về nghi vấn công chức hải quan, cơ quan hải quan can thiệp đối với việc mở tờ khai xuất khẩu gạo.
Cũng tin liên quan, hôm 20/4, các chuyên gia có đề nghị, để việc xuất khẩu gạo đạt được hiệu quả thì nên vận hành theo cơ chế thị trường và sử dụng nhiều công cụ như đánh thuế xuất khẩu gạo.
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mọi ngành đều khó khăn, thì tín hiệu tốt của thị trường lúa gạo là quý giá, cần phải tận dụng để giúp nông dân vượt qua khó khăn.
Theo ông, đặt ra vấn đề kiểm soát trong tình huống dịch bệnh này là đúng, nhưng tốt nhất là không ‘xin - cho’ mà hãy để hạt gạo tự vận hành theo cơ chế thị trường.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam những ngày vừa qua là quá vội vã, khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động, bất ngờ.
Theo ông, lo lắng gạo xuất khẩu nhiều sẽ ảnh hưởng an ninh lương thực, và đẩy giá trong nước lên, là đúng. Nhưng để điều tiết trước thị trường như hiện nay, nên có chính sách phù hợp hơn, để cho doanh nghiệp vừa có thể thích ứng, vừa dự báo được tương lai về mặt chính sách cũng như thị trường.