Trạm BOT Ninh Lộc thuộc xã Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa vào sáng ngày 1/5 buộc phải xả trạm liên tục để tránh tình trạng kẹt xe kéo dài, sau khi các tài xế dừng xe để phản đối việc thu phí.
Tờ Dân Trí trích lời ông Vũ Hải Long, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, công ty đầu tư dự án BOT này cho biết, khoảng 6g sáng ngày 1/5 sau khi trạm thu phí bắt đầu miễn giảm vé cho các loại xe thì một số tài xế địa phương đã dừng xe tại khu vực thu phí để phản đối.
Các tài xế cho rằng mức thu phí không phù hợp với người địa phương khu vực quanh trạm và đòi nhà đầu tư phải giảm 100%. Việc phải đối của các tài xế đã làm tình trạng kẹt xe kéo dài buộc trạm BOT Ninh Lộc phải xả trạm.
Được biết mức thu phí hiện nay dành cho các loại xe từ 35.000 đồng/lượt – 140.000 đồng/lượt.
Trước đó, Tổng cục đường bộ đã đồng thuận giảm 50% cho các loại xe từ 30 ghế trở xuống và dưới 4 tấn nếu không sử dụng kinh doanh và mức giảm 40% dành cho các loại xe trên mang mục đích kinh doanh. Các tuyến xe bus được giảm 100%.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện nay có 88 trạm thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức BOT (Xây Dựng- Vận Hành- Chuyển Giao). Bộ GT-VT quản lý 74 trạm, số còn lại do các Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh quản lý.
Tuy nhiên đã có nhiều phản đối trong cả nước trong hai năm qua, các tài xế cho rằng các chủ đầu tư không xây dựng bao nhiêu, mà lại cố tình đặt trạm sai vị trí để thu nhiều tiền, ngoài ra số tiền phải trả khi qua các trạm cũng bị người dân phản đối cho là quá cao.
Giới lái xe trong cả nước đã phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm, làm kẹt xe nhiều giờ. Đỉnh điểm của phong trào phản đối này là vào cuối năm 2017 tại trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chính quyền đã phải đưa cảnh sát cơ động đến để giữ trật tự. Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra lệnh tạm dừng trạm này trong nhiều tuần để bàn phương cách giải quyết.